Tin mới

Ông Đinh La Thăng đã bố trí "người cũ" từ Công ty Sông Đà vào PVC như thế nào?

Thứ bảy, 23/12/2017, 10:34 (GMT+7)

Trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC có rất nhiều người từng công tác ở Tổng Công ty Sông Đà, nơi ông Thăng đã từng làm việc 10 năm.

Trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC có rất nhiều người từng công tác ở Tổng Công ty Sông Đà, nơi ông Thăng đã từng làm việc 10 năm.

Cơ quan An ninh điều tra vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC.

Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bị đề nghị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài ra, ông Trịnh Xuân Thanh còn bị đề nghị truy tố thêm về tội "Tham ô tài sản".

Theo cơ quan điều tra, trong số 22 bị can bị đề nghị truy tố, rất nhiều người từng công tác ở Tổng Công ty Sông Đà, nơi ông Thăng đã từng làm việc 10 năm và giữ chức vụ cao nhất của tổng công ty này. Sau khi ông về làm Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) của PVN (đầu năm 2006), nhiều thuộc cấp ở Công ty Sông Đà nhanh chóng được điều động cất nhắc giữ các chức vụ chủ chốt của PVC.

Với ý định xây dựng PVC trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam, tháng 12/2007, ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng Công ty Sông Hồng về làm tổng giám đốc (TGĐ), sau là chủ tịch HĐQT...

Sau khi đưa ông Thanh về nắm chức vụ lãnh đạo, đầu năm 2009, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng công ty Sông Đà về làm Phó GĐ, sau là Ủy viên HĐQT kiêm TGĐ của PVC.

Một thuộc cấp khác có thời gian dài công tác tại Tổng Công ty Sông Đà là ông Nguyễn Mạnh Tiến cũng được cất nhắc về PVC giữ chức vụ phó TGĐ. Ngoài ra, ông Phạm Tiến Đạt, người cũng từng công tác tại Công ty Sông Đà đã được bổ nhiệm làm kế toán trưởng PVC và sau đó là thành viên ban kiểm soát PVC…

Với êkíp toàn người cũ trên, ông Thăng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động như bố trí việc làm, tạo nguồn vốn, kể cả việc chấp thuận miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tiền tạm ứng đối với các công trình dự án được PVN chỉ định cho PVC thực hiện.

Trong vụ án này 12 bị can bị đề nghị truy tố tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:

- Đinh La Thăng;

- Nguyễn Mạnh Tiến - Phó tổng giám đốc PVC;

- Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVC;

- Trần Văn Nguyên - Kế toán trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN;

- Lê Đình Mậu - nguyên Phó trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN;

- Nguyễn Ngọc Quý - nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC;

- Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2;

- Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng PVN;

- Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó tổng giám đốc PVN;

- Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó tổng giám đốc PVN;

- Phùng Đình Thực - nguyên Tổng giám đốc PVN;

- Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PVN.

8 bị can bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản:

- Lương Văn Hòa, nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch;

- Nguyễn Lý Hải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch;

- Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Kinh tế - kế hoạch;

- Nguyễn Thành Quỳnh, Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng;

- Lê Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa;

- Bùi Mạnh Hiển, Giám đốc PVC;

- Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó tổng giám đốc PVC,

- Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng phòng Tài chính, kế toán Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch.

2 bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC và Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC bị đề nghị truy tố cả 2 tội danh "Cố ý làm trái và Tham ô tài sản".

Theo lời khai của ông Đinh La Thăng, trước khi ký hợp đồng Thỏa thuận số 6934/TTHT ngày 18/9/2008 với Hà Văn Thắm ông đã trao đổi nhiều lần với các ông bà trong HĐQT mà trực tiếp là là ông Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh và Phan Thị Hòa việc PVN tham gia vào việc góp vốn vào OceanBank được thể hiện trên giấy xác nhận ngày 28/3/2017 và ông Đinh La Thăng cũng đã cung cấp cho cơ quan điều tra để giải trình nội dung này.

Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố để điều tra, ông Đinh La Thăng đã khai nhận lại, khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào làm việc tại PVN để có tài liệu xác nhận việc đã trao đổi xin ý kiến thống nhất trong HĐQT trước khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm, lúc này, trên cương vị công tác mới, ông Đinh La Thăng đã gọi điện nhờ các ông bà trên xác nhận vào việc ông Thăng đã bàn bạc, thống nhất với HĐQT về chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank.

Không chỉ nhờ các ông bà này mà ông Thăng còn nhờ bà Bùi Thị Nguyệt, trước đây là ban Kiểm soát, nay là Trưởng ban tổ chức nhân sự PVN để trực tiếp xin chữ ký xác nhận vào giấy xác nhận ngày 28/3/2017 cho ông Thăng mà không có việc thông qua HĐQT hay tổ chức cuộc họp xin ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news