Theo một chuyên gia nghiên cứu về thư pháp, nếu đánh giá những "ông đồ" viết chữ ở vỉa hè là rởm có thể hơi phiến diện.
Phát ngôn "Ông đồ viết chữ trên hè phố là rởm' của một lãnh đạo Sở Văn hoá Hà Nội trong buổi họp báo mới đây lại dấy lên cuộc tranh luận về "chuyện ông Đồ".
Cụ thể, tại buổi họp báo thông tin về việc tổ chức Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017, Phó giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến khẳng định, việc sát hạch tuyển chọn ông đồ và tổ chức lại hoạt động viết thư pháp ở Văn Miếu là đúng đắn. Trước đây, hoạt động này tự phát, rất lộn xộn, nhiều ông đồ rởm, lợi dụng kiếm tiền. Có thời kỳ phố ông đồ tự phát lên tới gần 200 người, gồm cả người già, người trẻ cho chữ. Hiện nay, những ông đồ chất lượng đã vào khu vực quy định của ban tổ chức tại hồ Văn.
Do đó, ông Tiến cho rằng, những ông đồ ngồi ngoài hè phố "đều là đồ rởm, không có trình độ, lợi dụng kiếm tiền". Người dân xin chữ năm mới của những ông đồ chưa được thẩm định này có khả năng "xin chữ may mắn lại thành chữ xúi quẩy".
Một số chuyên gia cũng quan niệm, ông đồ là phải như chuyên gia Hán Nôm, phải có học thức uyên thâm. Thế nhưng, nếu suy xét kỹ thì, ở thời nay, nếu một người hội tụ đủ những yếu tố như vậy, liệu họ có làm ông đồ hay không, và nếu có thì có phải một sự lãng phí?
Hơn nữa, khi nói về cái đẹp của chữ, thế nào là đẹp? Đây là cảm nhận của mỗi người. Các chuyên gia có kiểu đẹp của chuyên gia khi nhìn vào chữ của ông Đồ, người dân có cách cảm nhận cái đẹp của người dân khi nhìn vào đó. Và quan điểm cái đẹp của một người không biết chữ Hán-Nôm về nét đẹp của chữ chắc chắn không thể thoát tục như của những chuyên gia nghiên cứu được. Cũng như việc, không phải ai cũng cảm nhận được cái đẹp của tranh Van Gogh, cũng không phải ai cũng nhận ra được cái hay, cái cuốn hút trong âm nhạc của Bethoven.
Khi xưa, nơi hành nghề truyền thống của các ông Đồ là trên vỉa hè, bên những đường phố tấp nập. Thế nhưng, với sự phát triển như hiện nay, những hè phố đã bị thu hẹp lại, và mọi người đang “quá vội vã” để có thể bớt thời gian đi bộ, để ngắm chữ của ông đồ. Vì vậy, có thể nói rằng, việc quy hoạch lại nơi hành nghề của ông đồ là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, việc thành lập “chợ chữ” trong hoàn cảnh này sẽ tránh được tình trạng lộn xộn, phá giá.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sử - tác giả cuốn “Lịch sử thư pháp Việt Nam” cho rằng, quy hoạch phố ông Đồ mang tính quy chuẩn, cũng là điều cần thiết. "Văn hoá không phải là bừa bãi, là tự phát” - ông Sử nói.
"Văn hoá không phải là bừa bãi, là tự phát” - ông Sử nói. |
Vì vậy, có thể đánh giá, ngoài những người ngồi trong khu “chợ chữ” đã được khảo sát, thì những người cố tình ngồi bán ở ngoài chỉ thuộc ba loại.
"Đầu tiên, người không thích vào chợ, với suy nghĩ rằng chỉ ngồi cho chữ theo niềm đam mê, theo sở thích, chứ không coi đây là một nghề.
Và nếu đánh giá những người thuộc kiểu người này là rởm như Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội đánh giá “những ông đồ ngồi ngoài hè phố không có trình độ, lợi dụng kiếm tiền” có thể hơi phiến diện.
Tuy nhiên, nếu đánh giá công bằng thì một số người trong đó cũng có trình độ thấp, không đủ điều kiện thi. Nhiều người cũng có suy nghĩ nếu ngồi ngoài, nhiều người để ý đến thì có thể cho được nhiều chữ hơn, và cũng sẽ bán được với giá cao hơn, vì “đi đôi với tiện là tiền”. Và đây chính là người “lợi dụng kiếm tiền”.
Nói về khái niệm "ông đồ xịn”, theo ông Sử, ngoài viết đẹp, viết đúng thì người này còn phải có tâm, gửi gắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người thuê viết vào những nét bút. Đúng hơn, ông đồ ngoài chuyên môn phải có trách nhiệm với việc viết chữ.
"Không chỉ người bán chữ, mà người đi xin chữ cũng nên ý thức được việc mình đi xin chữ, là xin theo đám đông, hay do mong muốn, nhu cầu của bản thân", ông Sử nói thêm.
Câu chuyện ông đồ ngày tết cũng là một bức tranh phản ánh thực trạng của xã hội ngày nay. Nhiều người dân chưa có công việc thu nhập cao đang nghĩ ra mọi cách để kiếm tiền, bất chấp “trách nhiệm” với nghề tay trái này. Hơn nữa, trình độ dân trí còn thấp, người đi xin chữ cũng không đủ “trình độ” để thẩm định cái đúng, cái đẹp về “cái chữ” mà mình đi xin, vì vậy thường bị lợi dụng, bị “dắt mũi” để làm “cần câu cơm” của người khác.
Nghiêm Thu