Theo ông Quốc, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người nếu nhìn bề ngoài có thể hơi lạnh lùng, nhưng khi ngồi nói chuyện với nhau thì rất ý nhị, chân thành.
Vị nguyên Thủ tướng mở đường cho mối quan hệ Việt - Mỹ
Trao đổi với phóng viên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, khi tham gia nhiệm kỳ ĐBQH đầu tiên ở khóa XI, ông đã có nhiều dịp được gặp gỡ, trò chuyện với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đó là những gặp gỡ, trò chuyện một cách xã giao ngoài hành lang Quốc hội hay đôi lúc nguyên Thủ tướng đến hỏi về một số vấn đề liên quan đến sử học.
Đến khi được tháp tùng, là thành viên trong đoàn Việt Nam thăm chính thức Mỹ và Canada vào tháng 5/2016, ông Quốc nói mình mới có nhiều kỷ niệm, ấn tượng với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Thời điểm đó, ông Quốc với tư cách là thành viên của nhóm ĐBQH trong đoàn chính thức thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải nhưng hoạt động lại khá độc lập, chủ yếu tham gia vào các buổi gặp gỡ với những nghị sĩ Quốc hội, tổ chức xã hội, tầng lớp nhân dân ở Mỹ...
"Tuy nhiên, những cuộc làm việc, hoạt động cùng với ông đã giúp một người nghiên cứu lịch sử như tôi thấy rõ hơn về vị thế, vai trò của một nhà lãnh đạo đã có công mở đường cho các cuộc gặp cấp cao cũng như việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong lúc hai bên vẫn còn xa cách.
Qua đó, cho thấy rõ hơn việc ông và các cộng sự đã rất nỗ lực khai thông việc hội nhập với thế giới để sau khi ông nghỉ một thời gian ngắn chúng ta gia nhập WTO", ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, trong chuyến tháp tùng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Mỹ, có những dấu ấn, sự kiện mà ông không thể quên được.
Trước hết, vào ngày 20/6 và hôm sau ngày 21/6 là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam nhưng cũng là ngày gặp Tổng thống Bush nên tối đó, Thủ tướng đã tới gặp và chúc mừng anh em báo chí.
"Tôi còn nhớ, lúc ấy Thủ tướng Khải mặc bộ đồ rất giản dị và đi vào phòng chia sẻ với chúng tôi về việc ở Mỹ là tối thì ở Việt Nam là ban ngày.
Vì thế, đêm đó ông sẽ phải thức suốt đêm bàn với các nhà lãnh đạo trong nước về các vấn đề để sáng hôm sau sẽ đưa ra thông điệp đại diện cho quốc gia trong có cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Bush.
Những chia sẻ đó cho thấy rõ nhiều điều rất ý nghĩa", ông Quốc bày tỏ.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong cuộc gặp lịch sử với cựu TT Mỹ Bush. Ảnh: AP.
Vị ĐBQH này chia sẻ thêm về một tình huống ứng xử mà ông đánh giá là rất khôn khéo, chuyên nghiệp của chính khách Phan Văn Khải.
"Sau buổi tiếp xúc Tổng thống Bush, tối 21/6 có buổi gặp mặt giữa đoàn Việt Nam với các nghị sĩ, nhà hoạt động chính trị, doanh nghiệp.
Cuộc gặp diễn ra rất thân mật, nhưng vì lý do nào đó có xuất hiện một cựu chiến binh người Mỹ đã hất nước và nói những lời khiếm nhã, kích động với ông John McCain sau khi ông phát biểu.
Những xáo động diễn ra rất nhanh và sau khi các nhân viên an ninh mời nhân vật này ra khỏi hội trường thì điều quan trọng được mọi người đánh giá cao chính là ứng xử của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ông đã lên phát biểu và nói một câu rất giản dị, đời thường, sâu sắc mà sau này được báo chí nước ngoài đăng nhiều, đó là: "Cuộc đời là như vậy đấy".
Quả thực, chỉ sau câu mở đầu ý nhị của Thủ tướng, không khí đã trở lại sôi động với những tràng pháo tay không ngớt của cử tọa tán thưởng bài phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Tôi còn nhớ ông John McCain có nói một câu rất hay là "Con người hơn con vật ở chỗ nó biết vượt lên quá khứ để nắm bắt tương lai".
Sau này, đây chính là tinh thần chung của hai quốc gia, dân tộc, khi khép lại quá khứ, hướng đến tương lai", ông Quốc kể.
Ông Dương Trung Quốc.
Vị lãnh đạo không ồn ào mà rất chân thành
Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ, dù không có nhiều dịp tiếp xúc nhưng qua các kỷ niệm dù nhỏ đã cho ông thấy rõ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà lãnh đạo bản lĩnh, không ồn ào mà rất thẳng thắn.
"Ông Phan Văn Khải là người nếu nhìn bề ngoài có thể hơi lạnh lùng nhưng khi ngồi nói chuyện với nhau thì rất ý nhị, chân thành.
Tôi còn nhớ, có lần gặp tôi ông bảo: "Này Quốc, hôm qua mấy anh em báo chí phỏng vấn, thấy có mặc áo không cổ giống của cậu nên tôi bảo lại mặc giống kiểu ông Quốc".
Nghe thế, tôi giải thích với ông, sở dĩ tôi mặc áo không cổ là đỡ phải đeo cà vạt, rất phiền toái.
Sau đó, ông nói với tôi một câu rất hay là: "Tôi cũng thích như anh, có điều giờ là vì công việc, sự giao tiếp nên tôi không mặc được, còn chắc chắn khi về hưu, tôi không chỉ mặc áo không cổ như anh mà mặc đúng áo bà ba của Nam Bộ. Không gì sung sướng bằng thoải mái với chính mình".
Kỷ niệm dù rất riêng tư nhưng cho thấy rõ tính cách của ông và nếu ai quan sát kỹ sẽ thấy, sau khi nghỉ ông về quê hương, không tham dự những sự kiện, lễ lạt ồn ào. Sống như vậy, làm người như tôi luôn giữ trong lòng những kỷ niệm, ấn tượng về ông", ông Quốc nhớ lại.
Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh thêm: "Dòng chảy lịch sử vẫn cứ diễn ra nối tiếp nhau và ở góc độ Chính phủ thì nhiều nhiệm kỳ với các cá nhân Thủ tướng kế nhiệm nhau.
Nhưng quan trọng nhất chính là phải biết kế thừa nhau. Tôi luôn ấn tượng với bài phát biểu cuối của ông trước Quốc hội với mong muốn người kế nhiệm sẽ kế tục lại được mặt tốt và khắc phục hạn chế.
Cũng như nhiều người đã nhận xét, nếu coi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi động cho quá trình chuyển tiếp của nước ta từ nghèo khổ sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng thì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là người kế nghiệp xuất sắc".