Tin mới

"Ông Tây gia vị" mê cà phê pha phin kiểu Việt

Chủ nhật, 06/12/2015, 09:00 (GMT+7)

“Đặt chân đến Việt Nam xinh đẹp, tôi mới chỉ biết phở, món ăn trứ danh và thuần Việt được nhiều người trên thế giới ưa chuộng... Khi ở Hà Nội như một công dân Việt chính hiệu, cưới vợ Hà Nội, tôi mới “eureka” rằng cà phê pha phin nóng rẫy, nóng bốc khói thơm, đậm ngon trong tiết thu hanh hao, hay rét mùa đông cắt ruột, mới thật là thức uống tuyệt hảo, đầy chất Việt”.

“Đặt chân đến Việt Nam xinh đẹp, tôi mới chỉ biết phở, món ăn trứ danh và thuần Việt được nhiều người trên thế giới ưa chuộng... Khi ở Hà Nội như một công dân Việt chính hiệu, cưới vợ Hà Nội, tôi mới “eureka” rằng cà phê pha phin nóng rẫy, nóng bốc khói thơm, đậm ngon trong tiết thu hanh hao, hay rét mùa đông cắt ruột, mới thật là thức uống tuyệt hảo, đầy chất Việt”.

Bếp trưởng Didier Corlou - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đó là bày tỏ thật lòng của ông Didier Corlou người Pháp, cựu bếp trưởng khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi. Ông được truyền thông quý mến gọi là “ông Tây gia vị” bởi đam mê nghiên cứu, sưu tầm, sáng tạo và quảng bá gia vị, nước mắm Việt đến với bạn bè quốc tế. Giờ đây, khi “nghiện” cà phê phin kiểu Việt, ông nhận ra rằng ở Việt Nam, văn hóa uống cà phê phin - được hình thành hàng trăm năm, trong quá trình giao lưu với văn hóa Pháp - và đang bị phai nhạt ít nhiều. Dưới đây là bài viết về cảm nhận của mình về văn hóa này.


“Người Việt yêu lối sống chậm của nền văn minh lúa nước. Họ ngồi hàng giờ trong góc quán quen, nhìn người, xe qua lại, chuyện trò thân mật, cùng nhẫn nại chờ những giọt cà phê rơi chậm từ phin xuống chiếc ly thủy tinh nhỏ. Khi cà phê rơi xuống hết, người uống thường dùng kèm sữa đặc ngọt sắc rất Việt Nam. Người Hà Nội gọi nhanh: cho một ly nâu nóng hoặc một nâu đá. Còn người Sài Gòn gọi ly cà phê sữa đá. Rồi sau đó, họ bận rộn khuấy tan sữa trong ly, khuấy đến đâu, đá tan đến đâu thì hương vị sữa hòa vào cà phê mát lạnh và sảng khoái đến đó. Tôi chợt nghĩ, với vị ngọt ngào ấy, người ta có thể tăng hương sắc cho cuộc tình mới chớm nở của đôi trai gái đang chụm đầu tâm sự bên ly cà phê sữa đá đặc hiệu này.

Hà Nội lại nóng bỏng vị đậm ngon của tách nâu nóng. Họ thưởng thức từng ngụm trong cái rét luồn theo ngọn gió mùa đông bắc ào ạt thổi trên mái ngói thâm nâu phố cổ, hoặc mưa phùn lây rây, mùa nàng Bân may áo rét cho chồng. Uống tách nâu nóng mùa đông, thấy hương cà phê thơm phảng phất, cảm vị ngọt lịm nơi đầu lưỡi, sao mà yêu Hà Nội đến thế! Có lẽ nhờ vậy mà tôi hiểu cụ Nguyễn Du, khi viết một câu thơ trong Kiều: hương gây mùi nhớ… Cái mùi nhớ đặc biệt quyến rũ, từ ly cà phê nâu theo cách gọi rất Hà Nội của người Hà Nội…

Cà phê sữa quyến rũ người Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn… bao năm trời, thật đặc trưng cho chất đô thị Việt của người dân phố thị Việt, đã có công trải nghiệm, Việt hóa một thức uống của văn hóa ẩm thực Pháp từ hàng trăm năm nay, thành thức uống thuần Việt.

Trong căn hộ hiện đại hoặc phòng khách của một biệt thự kiểu Pháp, Hà Nội hay Sài Gòn, mỗi sáng sớm, thưởng thức vị ngọt ngào hương cà phê sữa đá, hay nâu nóng do vợ bạn pha khéo, đủ đậm sánh và đủ dậy mùi thơm ngọt, bạn thấy lòng mình thanh thản và trong trẻo đến lạ. Hương vị cà phê ấy lưu luyến bạn cả ngày, đánh thức nguồn sảng khoái, bạn còn muốn hạnh phúc nào hơn thế trong thưởng thức cà phê pha phin kiểu Việt?Thực sự, quan sát người Việt uống cà phê thấy rất mãn nhãn, khi họ gắng giữ nguyên bản sắc uống cà phê kiểu Việt và thưởng thức kỹ càng, thấm thía. Nhưng giới trẻ hôm nay thì khác, nhịp điệu sống nhanh, gấp gáp, khiến họ không đủ kiên nhẫn chờ cà phê phin nhỏ giọt. Âu cũng là điều dễ hiểu, khi cà phê trở thành món uống liền và được pha chế sẵn, dẫu nhạt hơn nhiều nhưng vô cùng thuận tiện. Nhưng nếu giới trẻ bỏ qua hoặc quên mất hương vị cà phê pha phin kiểu Việt, tôi thấy vô cùng tiếc. Pha phin cho ta vị cà phê đích thực, sống động, rất Việt, không đâu có được. Tại sao lại bỏ đi?

Có lần lang thang trên phố Hàng Bạc, tôi ghé tiệm cà phê, thấy một anh bạn tuổi đôi mươi, đang nhấm nháp ly cà phê có màu là lạ. Tôi hỏi ngon không? Anh bảo: thôi thì uống tạm cà phê gói, nhạt vị nhưng pha uống ngay, làm gì có thì giờ tỉ mẩn cà phê phin. Tôi thấy thật tiếc. Sao anh bán cà phê ở phố cổ Hà Nội mà không thưởng thức cà phê phin truyền thống? Phải chăng lối sống nhanh của giới trẻ hôm nay sẽ làm tàn phai bản sắc, tan biến hương vị cà phê pha phin kiểu Việt?

Tôi hy vọng các bạn trẻ Việt sẽ không làm mai một hương vị cà phê, vì biết thưởng thức cà phê đúng chất pha phin Việt. Điều này thật thú vị và đáng giá biết bao!”.


Didier Corlou

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: cà phê phin Việt