Tin mới

Đại gia nào đứng sau tuyến cáp treo Sơn Đoòng 4.500 tỉ?

Thứ tư, 05/11/2014, 17:07 (GMT+7)

Với những tuyến cáp treo đắt đỏ bậc nhất VN cùng khối tài sản khổng lồ và hàng loạt dự án lớn đang sở hữu, ông Lê Viết Lam được giới kinh doanh kiềng nể như một tỷ phú triệu USD ẩn mình.

 

 

Với những tuyến cáp treo đắt đỏ bậc nhất VN cùng khối tài sản khổng lồ và hàng loạt dự án lớn đang sở hữu, ông Lê Viết Lam được giới kinh doanh kiềng nể như một tỷ phú triệu USD ẩn mình.

Đầu tháng 11.2013 tại Lào Cai, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh khởi công dự án xây dựng hệ thống cáp treo phục vụ du khách tham quan từ Sapa đi thung lũng Mường Hoa và đỉnh Fansipan. Đây là hệ thống cáp treo 3 dây độc đáo, lần đầu tiên có tại châu Á và là hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới.

Điều ngạc nhiên là trong tất cả những thông tin về sự kiện lớn này, chủ đầu tư chỉ xuất hiện với cái tên là Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan - Sapa (một thành viên của Tập đoàn Sun Group) mà không thấy bóng dáng cá nhân "ông chủ" của dự án khủng này khiến dư luận không khỏi tò mò, tìm hiểu và phát hiện ra chân dung vị đại gia “ẩn mình” này là Lê Viết Lam -  ông chủ Sun Group.

Ông Lê Viết Lam sinh năm 1969 tại Thanh Hóa, đến năm 1987 ông sang Nga theo chương trình đào tạo của nhà nước. Sau khi tốt nghiệp ở Nga, ông cùng một vài người bạn thành lập mô hình kinh doanh nhỏ tại Kharkov và lèo lái một nhà máy chế biến mì ăn liền nhỏ trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 4000 công nhân.

Có những thời điểm, thương hiệu Mivina (mì Việt Nam) đứng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm ăn nhanh ở Ukraine. Ngoài ra,ông Lam còn nắm giữ chức vụ chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.

Lê Viết Lam được mệnh danh là “vua cáp treo” bởi ông là “tác giả” của hàng loạt các dự án cáp treo khắp cả nước như: Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng), cáp treo Fansipan và hàng loạt các dự án tên tuổi khác.

Gần đây tên tuổi của ông lại một lần nữa được hâm nóng khi tập đoàn Sungroup đề xuất ý kiến xây dựng tuyến cáp treo động Phong Nha- Kẻ Bàng, trong đó có đi vào tham quan hang Sơn Đòong- hang động bí ẩn nổi tiếng thế giới.

Đề xuất dự án tuyến cáp treo Sơn Đoòng

Trước những thành công vang dội làm nên tên tuổi của Sungroup qua những dự án để đời, điểm trúng huyệt những địa điểm thăm quan nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề xuất ý kiến xây dựng tuyến cáp treo động Phong Nha- Kẻ Bàng, trong đó có đi vào tham quan hang Sơn Đòong với chi phí dự kiến lên đến 4.500 tỷ đồng.

Đánh giá tiềm năng phát triển của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng, nếu tuyến cáp treo được hình thành và đi vào hoạt động sẽ là bước tiến mạnh mẽ cho tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Bình.

 Tuy nhiên, với những tranh cãi về việc bảo tồn di sản theo yêu cầu của UNESCO, đại diện tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, khi đã có đủ cơ sở và sự thống nhất cao, tỉnh sẽ báo cáo xin ý kiến của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành chức năng Trung ương, UNESCO Việt Nam và thế giới. Nếu được sự chấp thuận, tỉnh Quảng Bình mới triển khai đầu tư, còn không thì dừng lại đúng theo quy định luật pháp trong nước và quốc tế.

Về vấn đề xây dựng tuyến cáp treo cho du khách tham quan trực tiếp hang động Sơn Đòong sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái, địa chất, địa mạo- điều làm nên sự đặc biệt của kỳ quan này, đại diện Sungroup khẳng định: “Chúng tôi đã tính toán và sẽ sử dụng các công nghệ hiện đại nhất để thu gom, sau đó dùng máy nén chặt và vận chuyển bằng cáp treo đưa về nơi xử lý. Như vậy không ảnh hưởng gì đến môi trường. Nếu không bảo tồn được di sản thì không khác gì chúng tôi tự chặt vào chân mình.”

Thế nhưng so với những tranh cãi xung quanh vấn đề có làm tuyến cáp treo động Phong Nha - Kẻ Bàng hay không vẫn là bài toán khó gỡ cho các cơ quan ban ngành tỉnh Quảng Bình, bộ Xây dựng và uy tín của “ông vua cáp treo”.

Cáp treo Bà Nà với 4 kỉ lục thế giới

Tuyến cáp treo này có chiều dài kỷ lục với hơn 5.801 m, 86 ca bin, công suất vận chuyển 1.500 khách/giờ. Tổng kinh phí đầu tư hơn 30 triệu Euro.

Các kỷ lục của tuyến cáp treo này là cáp treo một dây dài nhất thế giới ( 5.801 m); độ chênh giữa ga đi và ga đến cao nhất thế giới (1,368.93m); chiều dài một sợi cáp không nối dài nhất thế giới (11.587m); cuộn cáp nặng nhất thế giới (141,24 tấn). Đây cũng là tuyến cáp treo duy nhất trên thế giới lập cùng lúc 4 kỷ lục Guinness thế giới.

Hệ thống cáp treo được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của hiệp hội cáp treo thế giới và là công trình cáp treo vĩ đại nhất trên thế giới được xây dựng bởi nhà sản xuất Cáp nổi tiếng Doppelmayr của Áo và CWA của Thụy Sĩ với kinh phí đầu tư lên đến 30 triệu EURO…đảm bảo tuyệt đối về các quy chuẩn kỹ thuật và độ an toàn.

Sau 14 tháng làm việc vất vả không ngừng nghỉ trên công trường, vượt qua bao khó khăn thử thách trong điều kiện thời tiết ở vùng rừng núi liên tục thay đổi, sự nỗ lực của các kỹ sư, công nhân Việt Nam đã được đền đáp bằng những thành quả rất đáng tự hào. Tuyến cáp treo số 3 (Thác Tóc Tiên – Indochine) được đưa vào vận hành vượt tiến độ 4 tháng và đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng chính là sự vinh danh to lớn hơn bao giờ hết cho những người con đất Việt.

Cáp treo qua Vịnh Hạ Long

Mới đây, ngày 13/9, ngay trong dịp công bố quy hoạch chiến lược tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư Tổ hợp dự án trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng cho Sun Group. Hệ thống cáp treo này có điểm đầu tại phường Bãi Cháy xuyên qua Cửa Lục, chạy song song với cầu Bãi Cháy, đến đỉnh đồi Ba Đèo, thuộc phường Hồng Gai, TP.Hạ Long.

Cột tháp của cáp treo phía đầu Bãi Cháy cao 188,8m và chiều cao cột tháp trên đồi Ba Đèo cao hơn 133m. Chiều cao tĩnh không của cáp treo cao hơn so với cầu bãi cháy khoảng 30m (chiều cao tĩnh không cầu Bãi Cháy là 50m). Cabin 2 tầng của cáp treo có sức chứa khoảng 230 khách, tương đương với một máy bay chở khách.

Ngoài hệ thống cáp treo trên, Sun Group đề xuất xây dựng một quần thể công viên trên đỉnh núi Ba Đèo, gồm các khu vui chơi giải trí và thiết kế một vòng quay khổng lồ thuộc diện cao nhất thế giới so với mực nước biển, dự kiến cao khoảng 250 - 250m. Phía dưới chân bờ vịnh Hạ Long, sẽ có một thủy cung phục vụ cho du khách đến tham quan và vui chơi. Theo hứa hẹn của nhà đầu tư, dự án sẽ được thực hiện ngay và hoàn thành trong vòng 1 năm sau khi được cấp giấy phép.

Cáp treo Fansipan - nóc nhà Đông Dương

Dự án công trình du lịch văn hóa và dịch vụ cáp treo Fansipan do Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 2.748 tỷ đồng, trong đó BIDV cho vay 2.075 tỷ đồng. Có tổng vốn đầu tư khoảng 4.400 tỷ đồng, điểm nhấn của dự án cáp treo là hệ thống cáp treo 3 dây, lần đầu tiên có tại châu Á, và cũng là hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới. Đây cũng là hệ thống cáp treo duy nhất trên thế giới không cần đến hệ thống cứu hộ thông thường.

Với tuyến cáp treo này, hành khách lên tham quan chinh phục đỉnh Fansipan cao 3.143 mét sẽ chỉ mất 15 đến 20 phút, thay vì phải đi bộ leo núi mất một đến 2 ngày như hiện nay.

Theo đại diện của Sungroup, tiến độ xây dựng dự án đang đảm bảo và rất khả quan, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến cáp treo đúng dịp kỉ niệm 40 năm thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 năm 2015 là hoàn toàn có thể đạt được, đúng như cam kết ban đầu.

Tuy nhiên, cáp treo không phải là lĩnh vực duy nhất của Lê Viết Lam, ông được biết đến là ông chủ của hàng loạt dự án bất động sản lớn như The French Village tọa lạc trên diện tích 6 ha tại Bà Nà Hill với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD; The Sun Villas bao gồm 118 biệt thự có thiết kế hiện đại, sang trọng với tổng nguồn vốn 65 triệu USD; InterContinental Danang Resort - khu nghỉ dưỡng 197 phòng tại bãi Bắc bán đảo Sơn Trà; Novotel Danang Premier Han River, tòa nhà cao nhất miền Trung.. và hàng loạt các dự án bất động sản khác.

Theo Bảo An/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news