"Ở dưới lòng biển sâu, tầm nhìn bị hạn chế hơn nhiều so với ở trên mặt biển nên ngay cả với các thợ lặn chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại, tầm nhìn cũng khó có thể đạt tới 1,5km", anh N.T.D. - người có thâm niên hơn 10 năm rà phá bom mìn dưới biển cho hay.
Vừa qua, dọc bờ biển miền Trung xảy ra hiện tượng hàng loạt cá chết một cách bất thường, trôi dạt vào bờ, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, sống ở tầng nước sâu. Và không chỉ có cá biển, ngay cả cá nuôi của nhiều hộ dân cũng bị chết đồng loạt sau khi thủy triều dâng, nước biển tràn qua các hồ nuôi.
Qua phân tích mẫu nước, mẫu cá chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Quảng Bình kết luận, nguyên nhân khiến cá chết bất thường là do nước biển bị nhiễm độc. Cụ thể, nước biển bị ô nhiễm ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) theo dòng hải lưu đã bị đẩy về phía Nam, lan vào tận vùng biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiến Huế.
Trong khi các cơ quan chức năng còn đang tiến hành "truy" thủ phạm xả thải gây nhiễm độc nước biển thì xuất hiện thông tin, trong quá trình lặn xuống biển để bắt cá, một ngư dân (tên Nguyễn Xuân Thành, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bất ngờ phát hiện một đường ống khổng lồ nghi xả thải được chôn dưới đáy biển.
Formosa chính thức thừa nhận có đường ống xả thải ra biển Vũng Áng. Ảnh: báo Giao thông |
Theo mô tả của anh ngư dân này thì thời điểm được phát hiện, nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, có mùi hôi thối, ngửi cảm thấy rất ngạt thở. Đường ống có đường kính khoảng 1,1m; chiều dài khoảng 1,5km; một đầu của đường ống có được nối liền từ khu vực Dự án Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đầu bên kia được nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ.
Tuy nhiên, theo nhận định của anh N.T.D. - người có thâm niên hơn 10 năm rà phá bom mìn dưới lòng biển cho hay, trong quá trình lặn sâu dưới đáy biển, tầm nhìn của thợ lặn khó có thể đạt tới khoảng cách 1,5 km. Thực tế, với điều kiện nước biển trong, không có vật cản giới hạn tầm nhìn thì bán kính để người lặn có thể quan sát được chỉ trong khoảng vài mét. Ngay cả với các thợ lặn chuyên nghiệp, khi lặn xuống đáy biển, phát hiện sự tồn tại của vật thể nhưng không ai có thể nhận định vật thể được nối từ khu vực cách đó hàng km trong khi chỉ áng chừng bằng mắt thường.
"Thực tế, so với trên mặt nước thì việc quan sát trong lòng biển khó hơn nhiều vì trong lòng biển rất tối. Với những thợ lặn chuyên nghiệp, lặn sâu dưới lòng biển khoảng 45m, trong điều kiện thời tiết bình thường, tầm nhìn cũng chỉ có thể giới hạn trong khoảng 3m. Với những người được trang bị các thiết bị hỗ trợ hiện đại hơn, kèm theo có đèn soi... thì tầm nhìn có thể xa hơn một chút nhưng cũng chỉ hơn khoảng vài mét. Do đó, ở dưới lòng biển sâu, chỉ với các phương tiện hỗ trợ thông thường, người lặn khó có thể đạt tầm nhìn xa hơn" - anh T. cho biết.
Trước nghi vấn về việc ngư dân có thể nhìn thấy màu, ngửi thấy mùi của nước xả trong lòng biển, anh T. nhận định, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Cụ thể, trong điều kiện có ánh sáng, nước biển trong thì người lặn có thể dễ dàng quan sát được màu sắc của các vật thể trong giới hạn tầm nhìn. Và ngay cả khi mặc lớp áo bảo hộ kín bưng, thợ lặn vẫn có thể cảm nhận được mùi của chất lỏng ở phía ngoài áo lặn.
Trước đó, ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, ngụ thôn Ba Đồng, P.Kỳ Phương, TX.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, trong lúc lặn xuống đáy biển để bắt cá, anh phát hiện một đường ống khổng lồ được chôn dưới đáy biển, phủ phía trên là một lớp đất cùng nhiều đá hộc, bao tải cát; chiều dài của đường ống khoảng 1,5 km; đường kính 1,1 m. Một đầu của đường ống nối từ khu vực dự án Formosa (khu kinh tế Vũng Áng, TX.Kỳ Anh), đầu còn lại nối liền với 3 đoạn đường ống nhỏ (mỗi đoạn dài khoảng 2 m, đường kính khoảng 40 cm). Sau khi phát hiện đường ống, anh đã tới đồn Biên phòng Đèo Ngang (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) để trình báo, đồng thời vẽ lại sơ đồ và vị trí của đường ống cho đơn vị này nắm được. Vừa qua, ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường Cty FHS đã chính thức thừa nhận đơn vị này có hệ thống cống ngầm nối từ dự án của Formosa ra biển. |
Vũ Đậu