Một số độc giả cho rằng, vụ ôtô 7 chỗ lao từ cầu cạn xuống đất khiến tài xế tử vong có phần lỗi từ thiết cầu bất cập. Tuy nhiên, theo luật sư, cầu đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng thì không có cơ sở pháp lý để yêu cầu chủ đầu tư hay bên thi công phải bồi thường thiệt hại.
Liên quan đến vụ việc xe ô tô 7 chỗ lao từ đường vành đai 3 gần nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trên cao xuống đất khiến tài xế tử vong, dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người cho rằng, cầu Thanh Trì chỗ tài xế ô tô rơi xuống tử vong có thiết kế bất cập, "chẳng khác nào cái bẫy chết người" ngay trên cầu. Do đó, tai nạn xảy ra không chỉ do lỗi của tài xế mà còn có cả lỗi của nhà thiết kế, thi công.
"Chỗ này không khác gì cái bẫy, ai không để ý, thiếu quan sát là sập bẫy ngay. Đáng ra đoạn này phải làm hẹp dần dần thì lại cụt luôn thế này, nhìn đã thấy vô lý. Cần làm rõ trách nhiệm thiết kế cây cầu này", bạn đọc tên Hải viết.
Lái xe được cho là phóng quá tốc độ, đâm vào lan can cầu và rơi thẳng xuống đất - Ảnh: Vietnamnet |
Đồng quan điểm, anh Trần Toản ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng với đường cao tốc, phần lan can phải làm dọc theo hướng xe chạy chứ không vuông góc như thế này.
"Đề nghị phải sửa chữa, hoặc khắc phục ngay để đảm bảo an toàn cho các phương tiện, đặc biệt những xe đi vào ban đêm", anh Toản kiến nghị.
Nhiều độc giả khác lại cho rằng lỗi phần lớn thuộc về tài xế, do không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát nên đã lao vào làn đường cấm, đâm hỏng lan can sắt.
"Vài năm qua hàng trăm nghìn lượt xe qua đây có ai gặp nạn đâu", anh Nguyễn Quân ở Hoàng Mai nói.
Trao đổi trên báo chí, đại diện Ban Quản lý Dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) - chủ đầu tư dự án đường vành đai 3 trên cao khẳng định, đây là công trình được đối tác Nhật Bản xem xét và thẩm định phê duyệt. Dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng...
Để rộng đường dư luận, PV trao đổi thêm với luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Luật sư Cường cho biết: quản lý chất lượng công trình xây dựng là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan trong quá trình chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng công trình và khai thác, sử dụng công trình nhằm đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và an toàn của công trình.
Bên cạnh đó, Điều 4 của Nghị định này cũng nêu rõ: Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, các yêu cầu của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.
Nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải có biện pháp tự quản lý chất lượng các công việc xây dựng do mình thực hiện, Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý chất lượng công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý dự án, hình thức giao thầu, quy mô và nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình; thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng; kiến nghị và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, một hạng mục công trình được nghiệm thu, hoàn thành và đưa vào sử dụng khi đáp ứng các điều kiện:
a) Các công việc xây dựng đã thực hiện được nghiệm thu theo quy định tại Điều 27, Điều 30 Nghị định 46/2015/NĐ-CP. Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng;
b) Không còn tồn tại lớn về chất lượng thi công xây dựng làm ảnh hưởng đến an toàn khai thác, sử dụng công trình;
c) Được cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy ra văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; được cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan, nếu có.
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi với PV |
“Như vậy, nếu công trình đã được thi công theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, nghiệm thu thì công trình đó là hợp pháp và được phép đưa vào sử dụng. Nếu người tham gia giao thông có lỗi: Không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường dẫn đến tai nạn thì người tham gia giao thông đó phải tự chịu trách nhiệm mà không thể yêu cầu chủ đầu tư hoặc bên thi công phải chịu trách nhiệm về việc này được”, Luật sư Cường cho biết.
Luật sư Cường cho biết thêm, về nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được lỗi của bên gây thiệt hại. Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì pháp luật quy định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (ô tô, xe máy, súc vật...) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, kể cả trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi.
“Vì vậy, nếu tuyến đường vành đai trên cao đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng thì người tham gia giao thông gặp tai nạn trên tuyến đường này không có căn cứ pháp lý để yêu cầu chủ đầu tư hay bên thi công phải bồi thường thiệt hại”, luật sư Cường nhận định.
Cự Giải