Nếu đã “định cư” được trong ôtô, chuột sẽ cắn đứt dây điện, phụ tùng bằng nhựa, cao su, thậm chí cả các vật liệu bằng sắt. Đây cũng là “thủ phạm” gây hỏng động cơ hoặc cháy xe.
Vào mùa đông, xe ôtô trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho chuột. Đây là nơi trú ẩn tương đối an toàn và đặc biệt là rất ấm áp. Thống kê của Viện dịch tễ Trung ương cho thấy, 90% các loại chuột sẽ di chuyển chỗ ở khi thay đổi từ mùa hè sang mùa đông.
Khoang máy ôtô được thiết kế hở dưới gầm xe, trên khoang có nhiều hốc ấm và kín gió là nơi trú ngụ lý tưởng cho chuột, và tất nhiên khi những “vị khách không mời” này mà đột nhập khoang động cơ ôtô thì hậu quả thật khôn lường.
Nếu đã “định cư” được trong ôtô, chuột sẽ cắn đứt dây điện, phụ tùng bằng nhựa, cao su, thậm chí cả các vật liệu bằng sắt. |
Chuột cắn dây dẫn điện có nguồn dương rồi cắn cả lớp cao su ở dây tuy-ô xăng. Dây diện hở, phát ra tia lửa điện trong búi dây, gặp nguồn xăng chảy ra từ tuy-ô rồi dẫn đến cháy xe. Đó là chưa kể rất nhiều trường hợp chuột cắn bình chứa nước làm mát động cơ, gây rò rỉ, khiến nhiệt độ động cơ lên cao dẫn đến hỏng hóc. Có khi chuột chết trong khoang xe do dây curoa cán vào. Những trường hợp này dây curoa sẽ bị bung và phải gọi cứu hộ mang xe ra gara.
Bằng cách này hay cách khác, hãy bắt đầu đề phòng chuột làm tổ trong khoang máy bằng những cách như sau:
1. Di chuyển xe ôtô của bạn ra khỏi khu vực có nhiều chuột như miệng cống, nơi chứa rác hữu cơ, vị trí có nhiều hang chuột...
2. Đối với xe ít chạy, hãy thường xuyên nổ máy tối thiểu 3 ngày/lần, việc này không những ngăn chuột làm tổ mà còn tốt cho động cơ xe của bạn.
3. Đặt túi chống chuột cho ôtô để ngăn ngừa việc chuột vào trong khoang máy. Khi đặt túi chống chuột sẽ tạo ra mùi làm cho chuột sợ hãi mà bỏ đi.
4. Tiêu diệt chuột bằng mọi cách có thể ở khu vực bạn đỗ xe: sử dụng bẫy, keo dính chuột, thậm chí là cả thuốc chuột nếu cần.
5. Thường xuyên mở nắp capô kiểm tra khoang máy, quan sát và phát hiện mùi xăng sống, mùi phân chuột để kịp thời xử lí.
Xử Nhi