Xác nhận những tấm pano “kì dị” là có thật nhưng lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch vẫn khẳng định, lỗi là do khâu in ấn chứ bản thân mẫu thiết kế… không có vấn đề gì.
Liên quan đến việc những tấm pano kỳ quặc được treo tại một số tuyến phố của thủ đô chào mừng ngày kỷ niệm thống nhất đất nước (30/4), không ít người dân cảm thấy bức xúc vì tấm biển chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc lại có thể cẩu thả đến thế. Vì chỉ với hình một người phụ nữ mặc áo dài trắng, tay phải cầm bó hoa hướng dương, tay trái giơ cao trong tấm pano, người xem đã có thể nhặt được cả một “rổ sạn” với những chi tiết rời rạc, khác biệt, thậm chí kỳ quặc.
Cụ thể, ngoài lỗi được cho là thuộc về trang phục như cánh tay áo bên phải không đồng nhất với cánh tay áo bên trái và có vẻ “không liên quan” tới hoa văn tổng thể của chiếc áo dài, thì cô gái bị “sai giải phẫu” cả hai tay là điều có thể dễ dàng quan sát được. Cánh tay trái bị dị tật vì nó được “mọc” ra từ… cổ và bàn tay bị khuyết 1 ngón. Còn phần tay phải thì các ngón tay xòe ra nhưng vẫn nắm được cả khóm hoa hướng dương.
Pano chào mừng 30/4 in hình cô gái bị "dị tật" cả hai tay, cắt ghép rời rạc
Thừa nhận các tấm pano này bị lỗi nhưng Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội – ông Tô Văn Động giải thích, khi đơn vị duyệt trên khổ giấy A4 và trong máy tính, có lẽ do kích cỡ quá nhỏ nên không phát hiện được chi tiết chưa hợp lý. Sau khi chuyển cho các quận, huyện in ra khổ lớn mới thấy rõ những chi tiết không đẹp mắt.
Giải thích của Giám đốc Động lại thêm một lần khiến dư luận thủ đô bức xúc khi lãnh đạo Sở đã “vụng chèo” còn “không khéo chống”. Vì với những tấm hình pano được chụp lại và đăng tải trên các trang báo mạng với khổ chỉ nhỉnh hơn lòng bạn tay, bạn đọc còn “nhặt” ra được một tá sự cắt ghép cẩu thả, vô lý, rời rạc, méo mó, rạn nứt, gây phản cảm trong bức hình. Còn đối với Sở VH-TT-DL, có cả một ban chuyên môn kiểm định chất lượng bản pano trước khi đem in, duyệt bản mẫu trên khổ A4 và xem trên máy tính mà diện tích bề mặt có thể lớn gấp cả chục lần so với một bàn tay nhưng điều khó hiểu là không ai trông thấy hình cô gái bị dị tật đến mức kỳ quặc.
Theo quy trình chung, mỗi bản mẫu hoàn chỉnh khi được gửi đi in ấn thì nhà in sẽ in đúng theo mẫu. Vậy nên sản phẩm in chuẩn hay không chuẩn đều xuất phát từ mẫu gửi đi. Thế nhưng trong trường hợp này, Sở vẫn “kiên định” với kết luận rằng, đơn vị thiết kế mẫu thực hiện đúng quy trình cấp phép của thành phố. Và để xuất hiện những hình ảnh không đẹp mắt như vừa qua chủ yếu do lỗi kỹ thuật, bản thân mẫu đó không vấn đề.
Khẳng định của đơn vị chịu trách nhiệm khiến dư luận ngã ngửa về một “quy trình ngược” và có thể dân chúng thủ đô sẽ dễ cảm thông hơn khi biết nguyên nhân của sự phản cảm này bắt nguồn từ… cái máy in VÔ TRI.
Vũ Đậu