"Căn cứ vào kết luận thanh tra thì không có vấn đề gì liên quan đến việc lực lượng thi hành nhiệm vụ đánh gây thương tích cho ông Lê Đình Kình cả", Đại tá Đào Thanh Hải nêu rõ.
Sáng 6/11, tại phiên thảo luận của Quốc hội về công tác tư pháp, phòng chống tội phạm, tham nhũng..., đại biểu, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội đã làm rõ câu hỏi mà đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội về việc, lực lượng công an đánh ông (ở Đồng Tâm, Mỹ Đức) gây thương tích tại sao chưa xử lý?.
Trả lời về việc này, Đại tá Đào Thanh Hải thông tin, ngay sau khi xảy ra vụ việc của ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, Bộ Công an đã rất nghiêm túc thành lập đoàn thanh tra do Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn.
Quá trình thanh tra cũng đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của Công an TP. Hà Nội.
Đại tá Đào Thanh Hải. |
"Sự việc xảy ra khi cơ quan điều tra tiến hành bắt ông Lê Đình Kình, gia đình ông Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân. Khi ông Kình bị gãy chân, ông có tố giác một cán bộ đã đánh ông bị gãy chân.
Thực tế trong quá trình thanh tra, điều tra, kiểm tra lại thấy người cán bộ công an đó tuy có mặt tại hiện trường nhưng không hề tham gia vào việc bắt giữ và cách đó một đoạn.
Căn cứ vào kết luận thanh tra thì không có vấn đề gì liên quan đến việc lực lượng thi hành nhiệm vụ đánh gây thương tích cho ông Lê Đình Kình cả.
Đây hoàn toàn là trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và gia đình ông Kình xông vào cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan điều tra nên xảy ra việc đánh tiếc như vậy", Đại tá Hải nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Giám đốc công an Hà Nội khẳng định thêm, qua diễn đàn Quốc hội và cử tri, ông cũng nói rõ quan điểm kết luận thanh tra đó là đúng và việc công an TP Hà Nội thực thi nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Sự việc tại Đồng Tâm xảy ra ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh (Đồng Tâm, Mỹ Đức). Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị giữ tại nhà văn hóa thôn. Một số ôtô công vụ bị hư hại.
7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết làm rõ nguồn gốc đất tại đồng Sênh; "không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc giữ cán bộ, cảnh sát cơ động".
Dân làng Đồng Tâm cũng cùng ký vào "tâm thư" gửi lãnh đạo thành phố, thừa nhận nhiều sai sót, không hiểu biết nên vi phạm pháp luật trong quá trình chống tham nhũng, tiêu cực. Họ cho hay các công an bị giữ tại hội trường nhà văn hóa được đối xử tốt.
Chiều 13/6, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (theo điều 143 Bộ luật Hình sự).
Hiện, nhà chức trách chưa truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân nào.
Công an Hà Nội ngày 13/10 có "Thư kêu gọi tự thú và đầu thú" đến các cá nhân có hành vi hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật (từ ngày 15 đến ngày 22/4) trên địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.