Những vụ cháy nhà luôn đem lại kết cục không tốt dù trên phương diện con người hay vật chất. Nhưng chúng ta có thể hạn chế tổn thất về người nếu biết thực hiện đúng cách.
Một chung cư cao cấp có tên nằm ngay trong khu vực quận 8, thành phố Hồ Chí Minh đã bất ngờ bốc lúc khoảng rạng sáng ngày 23/3 đã khiến nơi này gặp thiệt hại nặng về cả người và của. Cụ thể có đến 13 người chết và 28 người bị thương, 13 ô tô và hơn 150 chiếc xe máy bị phá hủy hoàn toàn.
Hiện trường vụ cháy khiến 13 người chết tại chung cư cao cấp Carina Plaza.
Theo số liệu được ghi nhận đến 5h sáng cùng ngày, các cơ quan chức năng đã phải huy động 34 xe cứu hỏa chuyên dụng cùng 205 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường để đối phó với "hỏa tai" trên.
Tuy nhiên điều đáng nói là đám cháy dường như xuất phát từ tầng hầm để xe nhưng lại khiến nhiều người thiệt mạng ở tầng 3 (và các tầng cao hơn). Nhiều khả năng nạn nhân đã bị ngạt khói tới tử vong. Điều này cũng cho thấy sự đáng sợ của khói - "sát thủ thật sự" trong các vụ cháy lớn.
Tác hại đáng sợ của khói - "sát thủ giấu mặt" trong các vụ cháy
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, trong các vụ việc đáng tiếc tương tự từng xảy ra, không phải lửa mà khói mới là thủ phạm dẫn đến cái chết của nhiều người nhất. Cũng theo ông chia sẻ, khói sinh ra từ các đám cháy trong khu đô thị rất độc; thành phần chính của chúng là CO, CO2, muội than và các chất hữu cơ chưa cháy hết.
Khói và lửa là cặp sát thủ đáng sợ trong đời sống dân sinh. Hình minh họa
Đối với CO2, khi hít phải quá nhiều vào trong cơ thể dễ gây ra hiện tượng ngạt khí, dẫn đến hôn mê và có thể tử vong. Bên cạnh đó, chất khi CO tuy không có hàm lượng cao như CO2 nhưng sự nguy hiểm lại cao hơn rất nhiều. CO khi xâm nhập vào trong cơ thể sẽ kết hợp cùng hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO).
Hợp chất mới đã bị CO chiếm chỗ của oxy, khiến cho các hạt hồng cầu chuyển từ đỏ sang đỏ tía, đồng nghĩa với việc không thể làm tròn được chức năng cung cấp Oxy cho cơ thể và nạn nhân sẽ đi vào trạng thái bất tỉnh rất nhanh nếu không có sự can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, đám cháy không chỉ sinh ra chất khí độc mà còn tạo ra một lượng lớn bồ hóng, muội, chất hữu cơ cháy dở. Những loại "vật chất cứng" này nếu đi vào phổi sẽ gây ra tình trạng nghẹt thở nhanh chóng.
Nguy hiểm hơn, trong các đám cháy, nhiệt độ không đạt đủ tới mức cần thiết, các hợp chất hữu cơ sẽ chỉ thực hiện được một phần quá trình cháy, biển đổi thành các hợp chất trung gian mang độc tố cực kỳ có hại cho cơ thể.
PGS Trần Hồng Côn cũng chia sẻ: Nếu cháy xảy ra trong các khu chung cư sẽ cực kỳ nguy hiểm và phức tạp bởi ở đó, đồ dùng, vật dụng được tạo ra từ rất nhiều thành phần là nhựa tổng hợp hay các chất hữu cơ khác nhau, khí cháy (và cháy dở như đã kể trên), chúng kết hợp lại tạo thành nhiều hợp chất hữu cơ mới, và cả hợp chất trung gian độc hại.
Thậm chí trong một vài trường hợp có thể tạo ra dioxin - hợp chất cực độc, gây nhiều ảnh hưởng tồi tệ trong thời gian dài.
Thực hư tác dụng của việc nhúng nước khăn ướt đối phó với khói
Khi được hỏi, PGS Hồng Côn cho biết, sẽ rất tốt khi mọi người biết cách sử dụng khăn nhúng nước để đối phó với khói trong các đám cháy. Tác dụng đầu tiên của khăn nhúng ướt là nó sẽ làm giảm nhiệt, tránh gây bỏng, tổn thương đến đường hô hấp và phổi. (bỏng phổi nguy hiểm không kém việc bị ngạt khí).
Hơn thế nữa, khi sử dụng những chiếc khăn nhúng nước này, nó có thể ngăn chặn được các hạt bồ hóng, muội và cả các chất khí độc, thành phần chất hữu cơ chưa cháy hết. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, giúp hạn chế tổn thương và tăng thếm thời gian cho nạn nhân xử lý.
Điều kiện tiên quyết vẫn là tránh xa khu vực cháy lớn, khu nhiều khói và có được sự trợ giúp kịp thời từ bên ngoài. Ngoài ra, nếu gia đình có các loại khẩu trang than hoạt tính thì có thể nhúng nước và sử dựng tương tự để giảm bớt các tai nạn không đáng có.
Bài viết được hoàn thành dựa trên những chia sẻ của PGS Trần Hồng Côn