Sau 40 năm nghiên cứu, chiều ngày 25/12, PGS.TS Bùi Hiền hoàn thiện nghiên cứu cải tiến chữ viết "Tiếq Việt" và quyết định công bố phần 2 sớm hơn dự định.
Trong khi dư luận xôn xao tranh luận về phần một cải tiến phụ âm "Tiếq Việt", PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội - vẫn miệt mài hoàn thiện phần thứ hai của đề xuất.
TS Hiền cho biết ông dự định công bố trọn vẹn bản nghiên cứu (gồm 2 phần) vào tháng 3/2018 nhưng sau đó quyết định công bố thông tin sớm đến dư luận.
Trả lời phỏng vấn trên Đời sống và Pháp lý, PGS.TS Bùi Hiền cho biết: "Tôi công bố sớm hơn dự kiến (tháng 3/2018) không phải vì "bị ném đá" sau khi công bố phần cải tiến phụ âm mà trong tiếng Việt bao giờ cũng phải có hai phần phụ âm và nguyên âm luôn đi kèm với nhau. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ GD&ĐT vẫn chưa có chủ trương áp dụng đó là việc của các nhà quản lý. Việc tôi nghiên cứu dưới góc độ khoa học và mang tính cá nhân thì đó là quyền của tôi".
PGS.TS Bùi Hiền. Ảnh: Vietnamnet |
Cũng theo Tri thức trực tuyến, TS. Bùi Hiền cho biết, trong phần thứ hai này, ông tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của Tiếng Việt (Hà Nội), từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc "một âm vị - một chữ cái".Có hai vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là: Số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong Tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng; nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết Tiếng Việt.
Sau khi xác định xong hai hệ thống âm vị nguyên âm và phụ âm mới, cần ghép chúng lại thành bảng âm vị cùng chữ cái biểu đạt thống nhất và hoàn chỉnh của tiếng Hà Nội. Toàn bảng chữ cái (âm vị) Tiếng Việt (thủ đô Hà Nội) gồm 33 đơn vị của PGS Bùi Hiền.
Bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c. Những chữ cái in đậm để lưu ý rằng đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ quốc ngữ cũ. Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).
Chia sẻ với PV Dân Trí, PGS.TS Bùi Hiền khẳng định, việc cải tiến chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm cho tiếng thủ đô Hà Nội, chứ không tác động vào hệ thống âm vị làm tiếng nói khác đi, dẫn đến ý nghĩa khác đi như một số lời đồn thổi trong thời gian vừa qua.
Cũng theo PGS Bùi Hiền, ông đã mất 40 năm nghiên cứu công trình khoa học này. 22 năm trước, khi công trình bước đầu cho ra kết quả, ông nêu đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ trên một tạp chí khoa học nhưng không được xem xét. Ông vượt qua quãng thời gian tìm tòi cùng những thời điểm khó khăn để có được văn bản hoàn thiện hôm nay.Việc cải tiến chữ quốc ngữ của mình hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh trong giai đoạn phát triển và hội nhập vào cuộc cách mạng 4.0. Đây là nghiên cứu, đề xuất khoa học mang tính cá nhân chứ có phải của Nhà nước, nên việc có thể áp dụng hay không sẽ do Chính phủ quyết định.
Bảng chữ cái mới theo cải cách của PGS Bùi Hiền. Ảnh Tri thức trực tuyến |
Phần một thuộc cải cách chữ viết của PGS Bùi Hiền nêu đề xuất cải tiến phụ âm, bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.
Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.
Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n' để biểu đạt.
Về phía dư luận, trước những bình luận ác ý, PGS Bùi Hiền cho hay: “Việc nghiên cứu khoa học tôi thử nghiệm, nếu thích, bạn có thể sử dụng, nếu không thì thôi. Tại sao các bạn lại chửi bới tôi?”.
PGS Bùi Hiền đưa ra đoạn viết thử nghiệm trực tiếp về cách viết Tiếng Việt mới và khẳng định chỉ cần đọc kỹ bảng chuyển đổi cách đọc các chữ cái mới và cũ, học nhẩm ít phút những chữ in đậm, rồi tập trung học thật thuộc 6 chữ cái sau trong vòng 10 phút là có thể đọc được văn bản mới. Đó là: C (chờ) = ch, tr; K (cờ) = k, c, q ; Q (thờ) = th; W(ngờ) = ng, ngh ; X (khờ) = kh; Z (dờ) = d, gi, r.
Chính vì việc dễ nhớ, dễ đọc, PGS Bùi Hiền cho hay, "nạn mù chữ" chỉ được giải quyết triệt để trong 1-2 ngày với những người đã biết chữ hiện hành. Học sinh lớp 1 và người dân tộc, người nước ngoài sẽ rút ngắn được thời gian học "vỡ lòng" ít nhất một nửa so với cũ.
Hà Trang (tổng hợp)