Đó là khẳng định của PGS. TS Bùi Hiền khi nói về đề xuất cải cách chữ viết Tiếng Việt của ông đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, PGS. TS Bùi Hiền cho biết: “40 năm nay tôi nghiên cứu về Tiếng Việt, nhưng đó không phải chính, vì tôi nghiên cứu tiếng Nga là chính. Đây là vấn đề bức xúc, vì tiếng Việt với chữ cái Tiếng Việt hơi xa nhau. Nên người ta viết không thống nhất, ngay cả báo chí, truyền hình người viết kiểu này kiểu kia”.
“Ngôn ngữ là công cụ toàn dân, ai cũng phải thống nhất nên hiệu quả cao hơn nhiều. Từ đó tôi bắt tay vào nghiên cứu, tôi đã có công trình công bố cách đây hơn 20 năm rồi. Cũng là đề án cải tiến chữ Quốc ngữ, đến bây giờ đã có nhiều thay đổi. Tôi đưa phương án mới, đó là quá trình nghiên cứu không phải tự nhiên tôi bịa ra”, ông Hiền giải thích.
“Tôi xuất phát từ thực tiễn chữ viết phức tạp, không thống nhất nên gây nhiều khó khăn cho người sử dụng. Sợ nhất viết chính tả cũng sai. Đó là bi kịch cho người sử dụng tiếng Việt”, ông nói thêm.
PGS. TS Bùi Hiền. |
Nói về lợi ích của đề xuất cải cách của mình, PGS. TS Bùi Hiền nói: “Tôi tính toán với một bản in chữ như hiện nay chuyển sang chữ mới thì tiết kiệm được khoảng 8%. Nghĩa là, nếu cần sử dụng khoảng 100 tấn giấy thì theo chữ viết mới sẽ tiết kiệm được khoảng 8 tấn giấy. Nhân lên nhiều cuốn sách thì con số sẽ rất lớn. Mọi người tưởng tưởng rất lạ và phải đào tạo lại, nhưng tôi nghĩ không quá khó. Nếu chỉ đọc thì có thể chỉ mất khoảng một ngày là thuộc lòng các ký tự đó. Còn nếu viết thì có thể lâu hơn do chưa quen, phải nhớ lại. Việc học thuộc 9 chữ cái chỉ sau 1 tiếng, ai chậm thì sau 1 ngày là có thể nhớ được. Lượng tiền, sức bỏ ra không đáng kể so với những cái lợi mà tôi cho là lớn vô cùng”.
Công Luân