Liên quan đến bài văn "Ghét Tết" gây xôn xao mạng xã hội, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đề xuất chỉ nên đón một cái tết trong năm, để tránh lãng phí và tốn kém.
Cách đây không lâu, trên một số diễn đàn dành cho cha mẹ, bức ảnh chụp lại bài tập làm văn của một học sinh lứa 10X, với chủ đề: "Phát biểu cảm nghĩ của em về ngày Tết” đã được chia sẻ chóng mặt.
Bài văn chỉ gói gọn trong một trang giấy, lời văn giản dị, nhưng khiến nhiều bà mẹ rơi nước mắt. Bởi đã nói đúng tâm lý, nỗi lòng của nhiều người phụ nữ khi xuân đến Tết về.Trong bài văn, em học sinh kể về những ngày Tết thiếu vắng tiếng cười vui, chỉ vì mẹ quá bận rộn. Mẹ phải trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp, tất tả chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, mà trở nên cáu kỉnh với chồng con.
Bài văn có đoạn: "Chắc hẳn ai cũng thích Tết. Từ hồi nhỏ tới giờ, em toàn nghe nói Tết vui. Nhưng đó là ở đâu chứ không phải ở nhà em. Mỗi lần đến Tết là em thấy mệt mỏi, mẹ em mệt mỏi, cả nhà em mệt mỏi...".
Bài văn "ghét Tết" của học sinh với lý do Tết làm mẹ mệt mỏi nhận được nhiều chia sẻ. |
Ngay sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, bài viết đã nhanh chóng thu hút hơn 200.000 lượt yêu thích, gần 10.000 lượt bình luận và hàng nghìn lượt chia sẻ.Theo đó, những tranh cãi về vấn đề nên hay không giữ Tết truyền thống được "thổi bùng" lên.
Trên báo Đất Việt, nghệ sĩ Chiều Xuân cho rằng, Tết gắn với truyền thống uống nước nhớ nguồn bao đời nay, nên không thể không hoàn hảo.
Là người đàn ông gia đình, MC Quyền Linh ủng hộ nghệ sĩ Chiều Xuân: "Với tui Tết đậm giá trị văn hóa, dù có hiện đại, có đổi mới thì vẫn phải giữ lại những giá trị truyền thống."
Bày tỏ ý kiến của mình quanh chủ đề này với PV Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng bài văn “Ghét tết vì tết làm mẹ mệt mỏi” của học sinh là cái nhìn khá hiện đại, dưới một góc độ thực tế: Tết là chuỗi ngày chuẩn bị rất vất vả, cầu kỳ và chỉ khiến cho người mẹ mệt mỏi, nặng nề chứ không phải mang lại sự hứng khởi, hào hứng chuẩn bị tết như thời các cụ ngày xưa.
“Tết phải là sự sung sướng, trẻ thơ vui mừng nhận bao lì xì đỏ một cách đầy trong sáng, người lớn dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, mua sắm Tết với một tâm thế thoải mái nhẹ nhàng nhất có thể. Còn bây giờ tết là gì? Nó đang dần trở thành chuỗi gánh nặng của mọi nhà với sự cầu kỳ, tiểu tiết trong các công tác chuẩn bị”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. Ảnh Lao Động |
Nhắc lại quan điểm của GS Võ Tòng Xuân về việc nên ăn Tết cổ truyền theo lịch dương, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng chỉ nên đón một cái Tết trong năm.
“Để làm được điều này cần phải có thời gian mới dần dần thay đổi được tư duy của người dân Việt Nam. Có thể tôi có quan điểm hơi tân tiến khi ủng hộ gộp hai Tết làm một. Nếu chúng ta ăn hai cái Tết thì sẽ gây ra phiền nhiễu thế nào, nhất là Tết âm lịch. Và thẳng thắn nhìn rằng, sự phiền nhiễu đó sẽ cản trở sự phát triển của đất nước. Nghỉ Tết thay vì nghỉ kéo dài 1 tuần, 10 ngày thì chỉ nên nghỉ đúng 3 ngày trọn vẹn. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí, gây mệt mỏi, phiền hà cho nhiều người” , PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm.
Hà Trang (tổng hợp)