Dưới góc độ kinh tế - xã hội, việc chính quyền Sơn La đồng ý cho phá hủy tài sản của Tàng "Keangnam" là một sự lãng phí quá lớn, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, không đạt được sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân, đặc biệt lại diễn ra trên địa bàn nghèo nhất cả nước.
Lao Động cho hay liên quan đến việc phá dỡ tòa nhà của Tàng "Keangnam" khiến dư luận xôn xao, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty luật Hà Nội Tinh hoa - người trước đó đã được tiếp cận bản án của Tráng A Tàng đã có những quan điểm xoay quanh vấn đề này.
Tòa nhà của Tàng "Keangnam" bị giỡ bỏ. Ảnh: Tiền Phong |
Theo đó, LS. Lực cho biết dưới góc độ kinh tế - xã hội, việc chính quyền Sơn La đồng ý cho phá hủy tài sản của Tàng "Keangnam" là một sự lãng phí quá lớn, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, không đạt được sự đồng thuận trong đông đảo nhân dân, đặc biệt lại diễn ra trên địa bàn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước.
Ở khía cạnh pháp lý, luật sư Lực cho hay việc phá hủy khối tài sản này rõ ràng là khác thường, không theo thông lệ đã diễn ra từ trước đến nay trong việc xử lý tài sản tịch thu, sung công trong các bản án, quyết định của Tòa án.
"Tòa nhà của Tàng không thuộc trường hợp phải tiêu hủy mà thuộc trường hợp bắt buộc phải bán đấu giá thu tiền nộp lại Ngân sách Nhà nước" - Luật sư Lực khẳng định.
Vị chuyên gia viện dẫn Điều 23 Nghị định 29/2014/NĐ-CP cho biết: "Theo quy định, chỉ tiêu hủy đối với tài sản tài sản không còn khả năng sử dụng hoặc tài sản thuộc danh mục cấm sản xuất, kinh doanh và lưu thông theo quy định của pháp luật gồm: Văn hoá phẩm độc hại, ma túy, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng và các tài sản khác buộc phải tiêu hủy.Trong khi đó, tòa nhà còn dang dở của Tráng A Tàng rõ ràng thuộc trường hợp phải bán theo quy định tại điểm đ khoản 2 điều 23 Nghị định này".
Cũng theo phân tích của luật sư Quách Thành Lực: Trong bản án hình sự của Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã xác định, ngôi nhà của Tàng "Keangnam" là tài sản do phạm tội mà có nên tuyên tịch thu, sung công quỹ.
Theo Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014 thì Cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh sẽ chủ động ra quyết định thi hành án theo nội dung ghi nhận trong bản án do tòa án đã tuyên. Tài sản sau đó được chuyển giao cho cơ quan tài chính cùng cấp, ở đây được xác định là Sở Tài chính Sơn La.
Những tài sản này thông thường sẽ được định giá, giao tổ chức đấu giá thu lại tiền để nộp cho kho bạc Nhà nước hoặc nếu quyết định sử dụng, khai thác thì cần xin ý kiến của cấp trên.
Hiện vẫn chưa có quy định pháp luật nào cho phép đưa ra phương án xử lý, phá hủy công trình xây dựng như ý kiến của chính quyền Sơn La đã thông tin với báo chí.
Chia sẻ trên Tiền Phong, luật sư Quách Thành Lực nhìn nhận "Đây có thể là một sự lãng phí quá lớn, đặc biệt diễn ra trên địa bàn một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, người dân còn thiếu thốn nơi ăn, chốn ở an toàn, rộng rãi", ông Lực nhận định.
Theo ông Lực, tỉnh Sơn La có thể dùng những giải pháp khác mà vẫn đạt được ý nghĩa giáo dục như: sử dụng ngôi nhà làm nhà ở tránh mưa bão cho đồng bào; cơ sở cai nghiện, trường học, cơ sở tình thương.Nếu bán đấu giá ngôi nhà, số tiền sẽ được sử dụng cho công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy, gửi tiền đó cho các cơ sở khám chữa bệnh cho người bị HIV…
Hồng Hạnh (tổng hợp)