Thông tin từ Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, dịp Quốc khánh 2/9 năm nay Nhà nước sẽ không tiến hành đặc xá mà chờ đề án tha tù trước thời hạn vào đầu năm sau.
Đề án tha tù trước thời hạn đã được Thủ tướng phê duyệt. Ảnh: TTXVN |
Theo thông tin trên Tuổi trẻ, Pháp luật TP.HCM, chiều 24/8, Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, cho biết Quốc khánh năm nay phạm nhân trên cả nước sẽ không được đặc xá. Thay vào đó, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thực hiện việc tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định của BLHS năm 2015.
“Theo quy định của BLHS 2015 thì từ ngày 1/1/2018 tới đây, các phạm nhân đủ điều kiện sẽ được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đặc xá vẫn có nhưng sẽ ít hơn và chỉ tổ chức vào các sự kiện trọng đại. Việc tha tù trước thời hạn mỗi năm sẽ được xem xét 3 lần, cùng với giảm án”, Trung tướng Bằng cho hay.
Hình thức tha tù trước thời hạn có điều kiện là quy định mới của BLHS năm 2015, cho phép sớm đưa người phạm tội bị xử phạt tù quay trở về với cộng đồng để phục thiện, sửa chữa lỗi lầm với sự giúp đỡ và giám sát của gia đình, cơ quan, đoàn thể xã hội.
Đề án tha tù trước thời hạn đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Công an sẽ phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện thường xuyên theo quý.
Việc triển khai căn cứ vào kết quả thẩm định của Hội đồng Thẩm định hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng.
Theo đó, người đang chấp hành hình phạt tù được trả tự do sớm, nhưng phải tuân thủ một số điều kiện nhất định do cơ quan có thẩm quyền xác định trong một thời gian gọi là thời gian thử thách.
Nếu trong thời gian thử thách mà người phạm tội vi phạm các điều kiện đặt ra thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể thay đổi điều kiện thử thách hoặc có thể buộc người đó phải chấp hành nốt thời hạn còn lại của hình phạt tù trong trại giam, đây là điểm khác biệt của tha tù trước thời hạn có điều kiện so với đặc xá.
Về bản chất, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vẫn là người đang chấp hành án, chỉ thay đổi hình thức từ chấp hành án trong các cơ sở giam giữ sang chấp hành tại cộng đồng xã hội. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách.
Căn cứ điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện và số lượng phạm nhân hiện đang quản lý thì dự kiến số người sẽ được tha tù trước thời hạn có điều kiện sau 2 năm thực hiện là khoảng gần 20.000 người.
Còn Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Nếu được đặc xá, người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt còn lại.
Tại Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS 2015, quy định người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Phạm tội lần đầu;
b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
c) Có nơi cư trú rõ ràng;
d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;
đ) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
e) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này.
Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 của Bộ luật này; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251 và 252 của Bộ luật này;
b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.
Theo ước tính, chi phí trung bình mỗi năm cho một phạm nhân khoảng gần 10 triệu đồng vì thế nếu đề án được thực hiện sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng gần 200 tỷ đồng/năm và giảm nhu cầu biên chế khoảng hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ của các cơ sở giam giữ.
Đức Hòa (tổng hợp)