Mặc dù tập trung muộn hơn so với các đồng đội trong giải U23 Châu Á nhưng Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức lại được coi là 2 ẩn số được HLV Park Hamg-seo tin tưởng trong những thời khắc quyết định.
Tiền Phong cho hay, trong giải U23 Châu Á vừa qua, mặc dù tập trung muộn nhưng Phạm Xuân Mạnh và Phan Văn Đức lại được coi là 2 ẩn số được HLV Park Hang-seo đưa ra trong những thời khắc quyết định.
Xuân Mạnh là sự thay thế xứng đáng cho Đoàn Văn Hậu khi không may gặp chấn thương, tuy nhiên phía sau sự nỗ lực ấy, ít người biết rằng hành trình đến với U23 Việt Nam của Xuân Mạnh khiến không ít người thán phục.
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 chị em, dù đam mê bóng đá nhưng Xuân Mạnh chỉ biết lấy túi ni lông vo tròn thành bóng nhỏ để cùng chơi với bạn bè.
Phạm Xuân Mạnh bên mẹ trong ngày U23 trở về sau chiến tích VCK U23 châu Á. Ảnh: Vietnamnet |
Sau nhiều lần đi trộm bưởi để đá bóng, mẹ của cậu là bà Phan Thị Hà đã phải quát lên mắng xuống.
Sau khi tỏa sáng ở giải đấu huyện Minh Thanh, rồi đến U10 cup báo Nghệ An, hai mẹ con bà Phan Thị Hà lên thành Vinh thi tuyển vào lò SLNA. Lúc đấy, mẹ của Xuân Mạnh tin rằng:"Bóng đá sẽ là con đường giúp con trai tôi thoát nghèo".
Thời điểm này, khi trong túi chỉ còn 200.000 đồng, tiền thuê nhà chưa trả, hai mẹ con đã nhường nhịn nhau xuất cơm cuối cùng. Trong lúc không biết xoay sở thể nào thì nhận được tin đã có người trả hộ tiền thuê nhà trước đó.
Mãi đến giờ này, bà vẫn hay nhắc về kỷ niệm đó và mong muốn được gặp "vị ân nhân" để nói lời cảm ơn.
Năm 2007, sau khi vượt qua hơn 30 càu thủ, Xuân Mạnh đã cùng Văn Đức trở thành 2 trong 3 cầu thủ gốc Yên Thành lọt qua vòng cửa để bước vào lò đào tạo SLNA. Ngày Xuân Mạnh háo hức vào lò SLNA đào tạo, cũng là quãng thời gian túng bấn của gia đình. Mạnh cần mua giày để tập luyện, thi đấu, nhưng gia đình không có tiền nên ông Linh đã phải chạy gấp sang hàng xóm mượn tiền mua giày. Đáp lại lời đề nghị giúp đỡ, hàng xóm đã từ chối: “Chú tiền mô trả lại mà đòi mượn tiền mua giày".
Câu nói đó khiến ông Linh day dứt mãi. Lúc về, ông đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng vì niềm đam mê của con, ông đã quyết định bán trâu, tài sản lớn nhất của gia đình lúc đó với giá 8 triệu. Một nửa số tiền dành cho Xuân Mạnh mua giày và kinh phí vào lò SLNA học tập, một nửa còn lại để dành tích cóp mua trâu mới.
Khi sinh hoạt ở CLB SLNA, Xuân Mạnh chỉ nhận được mức lương khá khiêm tốn là 6 triệu đồng mỗi tháng. Trước đó, anh chỉ nhận được 3,6 triệu đồng mỗi tháng khi còn thi đấu cho đội trẻ. Nhưng bắt đầu từ năm 2017, khi được đôn lên đội 1 SLNA và thường xuyên ra sân mức lương của cậu đã lên 8 triệu đồng và bắt đầu có khoản dư. Cầu thủ người Yên Thành tiết kiệm gần như toàn bộ số tiền kiếm được để gửi về quê giúp bố mẹ trả nợ.
Số nợ của gia đình có lẽ luôn là nỗi lo canh cánh trong tâm trí của Xuân Mạnh.
Ngay cả khi mới đây U23 Việt Nam đánh bại U23 Qatar để giành vé bước vào chung kết, hình ảnh về ngôi nhà và món nợ của bố mẹ là hình ảnh khiến cầu thủ này phải nghĩ đến đầu tiên.
"Nó nhắn là dì ơi, sau giải U23 chắc con có tiền trả nợ hết cho bố mẹ rồi. Rồi thì mình mua cái tivi mới nó cũng nhắn là cứ vay mà mua, về rồi nó trả...", cô Hà nghẹn ngào.
Trước đó, tại VCk U23 Châu Á, mặc dù chỉ đóng vai là "người thay thế " cho Văn Hậu và Đỗ Duy Mạnh khi hai cầu thủ này gặp chấn thương, nhưng Xuân Mạnh đã thể hiện và khẳng định được vai trò của mình ở tuyến phòng thủ, nhận được sự tin tưởng của người cầm quân Park Hang -seo và là một ngôi sao thầm lặng góp phần vào kỳ tích U23 Việt Nam ở châu lục.
Chia sẻ với Dân Trí, Xuân Mạnh và Văn Đức đều dành những tình cảm và sự biết ơn nhất khi nói về người thầy của mình "Emn cảm ơn thầy Park Hang-seo đã triệu tập em lên đội tuyển và tin tưởng, trao cho em cơ hội để em thể hiện mình. Thầy Park là người hiền, vui tính và đặc biệt là rất biết truyền lửa cho học trò".
Xuân Mạnh còn tiết lộ về hành động của huấn luyện viên Park Hang-seo: “Khi mỗi trận đấu kết thúc, thầy Park đều ôm lấy các cầu thủ và thơm lên má mỗi người”.
Để những người hùng tỏa sáng như Quang Hải, thủ thành Tiến Dũng, Xuân Trường, Văn Thanh trong VCK U23 Châu Á, đưa U23 lập nên kỳ tích như hôm nay, có phần không nhỏ của những chiến binh thầm lặng như Xuân Mạnh, Văn Đức, Công Phượng, Tiến Dũng, Hồng Duy...
Hồng Hạnh (tổng hợp)