Đó là nhận định của một giáo sư chuyên ngành sinh thái học liên quan tới vụ phân tích mẫu nước biển tại vùng biển Quảng Bình sau khi xuất hiện vệt nước biển màu đỏ dài 1,5km.
Vừa qua, sau khi xuất hiện vệt nước biển màu đỏ dọc bờ biển Quảng Bình, GS.TS Nguyễn Ngọc Lâm (Viện Hải dương học Nha Trang) cùng đồng nghiệp đã lấy hơn 10 mẫu nước từ vùng nước đỏ về phân tích. Bước đầu, GS. Lâm nhận định, vệt nước màu đỏ không phải là hiện tượng thủy triều đỏ do khi khảo sát dưới kính hiển vi, không thấy có tế bào tảo trong nước. Thông tin được đăng tải trên báo VnExpress, Tiền Phong, Tuổi Trẻ.
Theo GS. Nguyễn Ngọc Lâm, kết quả phân tích cho thấy, thành phần mẫu nước chưa phát hiện có gì đặc biệt. Khả năng vệt nước đỏ là do phù sa hay các loại vật liệu màu như đất đỏ tạo thành. Ngoài ra, cũng cần quan sát thêm các yếu tố cảnh quan để xác định nguồn gốc của vệt nước.
Dải nước màu đỏ dài khoảng 1,5km tại vùng biển Quảng Bình. Ảnh: VTC |
Tuy nhiên, trao đổi với PV chiều 6/5, một giáo sư sinh thái học nhận định: nước biển dù có màu đen, màu đỏ, màu hồng hay bất cứ màu gì chăng nữa, khi được lấy mẫu bằng vợt vớt vi tảo thì điều hiển nhiên là phải tìm thấy con vi tảo trong đó.
"Nếu vợt bắt vi tảo mà lại chỉ có thể vợt được phù sa với bùn cát như vậy thì khẳng định luôn là phương pháp thu mẫu được tiến hành không chuẩn. Còn thông thường, nếu dùng vợt bắt vi tảo thì soi chiếu mẫu dưới kính hiển vi, bao giờ cũng tìm thấy vi tảo. Vi tảo này có thể là độc, có thể lành, có thể là các loại tảo khác nhau. Còn nếu khẳng định trong mẫu nước thu về không có con vi tảo nào thì không lẽ đó là nước tinh khiết, không có sinh vật nào sống?" vị giáo sư này nói.
Như đã đưa tin, vào khoảng 7h30 ngày 04/5, tại vùng biển xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) xuất hiện một dải nước biển màu đỏ gạch dài khoảng 1,5km, dạt thẳng vào bờ.
Trưa cùng ngày, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã có mặt tại vùng biển trên để tiến hành kiểm tra, ghi nhận thực tế. Buổi tối cùng ngày, các nhà khoa học đã lấy mẫu nước tại bãi biển Nhơn Trạch và đã có cuộc họp kéo dài tại tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó, GS khoa học Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đưa nhận định chung khẳng định đây là hiện tượng thủy triều đỏ. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa tìm ra được đây là loại tảo nào.
Tuy nhiên, thông tin trên báo chí sáng ngày 06/5, Giáo sư của Viện Hải dương học Nha Trang (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) lại nhận định, dải nước biển màu đỏ trên không phải là thủy triều đỏ do không tìm thấy vi tảo trong mẫu nước.
Vũ Đậu