Tin mới

Phạt 3 triệu nếu không tiêm phòng cho chó, vứt xác động vật bừa bãi

Thứ sáu, 14/04/2017, 17:16 (GMT+7)

Từ 20/5, nếu chủ vật nuôi không tiêm vắc xin phòng dại cho chó nuôi hay vứt động vật mắc bệnh ra đường sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.

Từ 20/5, nếu chủ vật nuôi không tiêm vắc xin phòng dại cho chó nuôi hay vứt động vật mắc bệnh ra đường sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.

Không chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại cho chó nuôi sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng. Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều cho Nghị định 119/2013/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thủy sản, lĩnh vực thú y, thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chủ vật nuôi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật;

- Vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường;

- Không chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại cho chó nuôi.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Hình thức xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 điều này.

Khoản 5 điều 5 quy định, phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồngvới cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống gia súc, giống gia cầm và bò sữa có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không chấp hành việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ các bệnh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống gia súc, giống gia cầm và bò sữa';

- Không thực hiện cách ly động vật trước khi nhập đàn đưa vào nuôi tại cơ sở chăn nuôi động vật tập trung;

- Nuôi mới động vật trong thời gian có quy định tạm ngừng chăn nuôi của cơ quan có thẩm quyền;

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Nghị định 41/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 20/5 tới đây.

Đức Hòa

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news