Tin mới

Phạt 30 triệu nếu đánh, mắng học sinh: Ai được phạt và tiền thu về đâu?

Thứ ba, 02/10/2018, 17:09 (GMT+7)

Băn khoăn về dự thảo quy định đánh học sinh bị phạt 30 triệu đồng, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: “Tôi nghĩ cơ sở để phạt giáo viên trong nghị định phải quy định rõ. Và điều thứ hai, ai được phạt và tiền thu về đâu?".

Băn khoăn về dự thảo quy định đánh học sinh bị phạt 30 triệu đồng, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: “Tôi nghĩ cơ sở để phạt giáo viên trong nghị định phải quy định rõ. Và điều thứ hai, ai được phạt và tiền thu về đâu?".

Phạt 30 triệu nếu 'mắng' học sinh: Nguyên Bộ trưởng Giáo dục nói gì?

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Trong dự thảo, nghị định đưa ra nhiều chế tài để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục.

Đặc biệt có nhiều quy định liên quan đến chuẩn mực, đạo đức nhà giáo. Tất cả các lỗi như chửi, xúc phạm, đánh học sinh… đều bị quy thành tiền, “đánh” trực tiếp vào túi tiền của giáo viên nếu vi phạm.

Theo Điều 32 Dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

Đi kèm mức phạt này, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên có thể bị đình chỉ dạy từ 1-6 tháng.

Liên quan đến dự thảo này, trao đổi với phóng viên báo Tiền phong, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc cho rằng, hành vi sai trái trong môi trường giáo dục phải xử phạt là hợp lý. Tuy nhiên, mức phạt đưa ra trong dự thảo so với mức thu nhập của người dân Việt Nam hơi cao và cần phải so sánh với các hình phạt khác.

"Với hành vi xâm phạm thân thể người học với mức phạt tới 30 triệu là cao"- nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói và cho rằng dự thảo đưa ra cần phải bàn mức phạt bao nhiêu thì hợp lý?

GS Phạm Minh Hạc cho rằng, việc xúc phạm học sinh, thầy cô giáo thì nên có hình phạt: “Bây giờ chúng ta có nhiều hình phạt và thước đo bằng tiền là một trong thước đo bên cạnh thước đo về đạo đức.

Cho nên quy định hình phạt là hợp lý, nhưng mức phạt cũng cần phải hợp lý theo”.

“Nếu xác định được mức phạt thì trong văn bản phải quy định được mức độ và hình thức sai phạm. Hình phạt nào thì đi theo hình thức vi phạm đó”- GS Phạm Minh Hạc nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, cơ sở để phạt phải quy định rõ trong dự thảo. Ngoài ra, ai phạt và tiền thu về đâu? Những cái đó phải tính có đầu, có đuôi, chứ không phải nói một câu là áp dụng phạt ngay được.

“Vì sao phạt? Phạt như thế nào? Ai được phạt? Phạt mức độ nào? Tài chính thu về đâu?.. . Nếu chỉ nêu hình phạt thì không đủ. Những người làm văn bản phải tính kĩ những điều này”- nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.

Trong khi đó, nhiều giáo viên cho rằng nếu Nghị định này có hiệu lực, họ sẽ chọn cách làm ngơ trước những hành vi sai trái của học sinh.

“Thầy cô chúng tôi sẽ làm đúng nhiệm vụ dạy chữ của mình. Trò có hỗn, có hư thì cố nhẫn nhục vì miếng cơm manh áo. Không lỡ may…, thì lấy tiền đâu mà nộp phạt”- trên Lao động dẫn lời cô Đ.T.C. (giáo viên một trường tiểu học tại Bình Dương) chia sẻ.

“Người ta cứ ca ngợi nghề giáo cao quý, tôi thì thấy nghề bạc bẽo quá. Khi hay tin về quy định phạt tiền giáo viên nếu xúc phạm danh dự, hay đánh học sinh, tôi và nhiều giáo viên trong trường đều buồn cho nghề. Thực sự tôi cảm thấy vị thế nghề giáo đang bị hạ thấp khi quy những chuẩn mực, đạo đức của nghề thành tiền, để xử phạt.

Dù không cổ xúy cho việc dạy dỗ học sinh bằng đòn roi, bạo lực, nhưng tôi cho rằng việc phạt giáo viên với một số tiền lớn hơn rất nhiều tiền lương họ nhận được hằng tháng, sẽ khiến thầy cô lo sợ, áp lực khi lên lớp”- cô Huyền Trang (một giáo viên mầm non tại Thái Nguyên) bày tỏ sự lo lắng.

Trước đó chiều ngày 1/10, trao đổi với Gia Đình Mới, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra rất khó để thực hiện.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, việc giáo viên xâm phạm thô bạo tới học sinh là điều không thể chấp nhận được.

"Nếu là một người giáo viên có tâm thì họ nên dùng cách nói chuyện, chia sẻ và đưa ra lời khuyên cho học sinh thay vì có những hành vi xúc phẩm tới nhân phẩm, danh dự. Nếu học sinh không nghe thì mới dùng biện pháp tích cực khác", ông Nhĩ nhận định.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng chia sẻ thêm, giáo dục trước hết phải thực hiện đúng sứ mệnh của nó. Nếu giáo viên có hành vi xâm phạm thân thể người học thì phải dựa trên mức độ mà đưa ra hình thức phê bình, kiểm điểm… Và nếu tái phạm thì hình thức xử lý sẽ như thế nào?

Còn với dự thảo đưa ra là "Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học" , nếu giáo viên không nộp phạt thì sao?

Vì vậy, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị dự thảo nghị định cần nêu rõ mức độ thế nào được coi là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học? Thế nào là hành vi xâm phạm thân thể người học?

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news