Tin mới

Phát hiện Covid-19 có thể xâm nhập trực tiếp vào não

Thứ năm, 10/09/2020, 11:25 (GMT+7)

Một số bệnh nhân Covid-19 gặp tình trạng đau đầu, lú lẫn và mê sảng. Đó có thể là do virus corona đã xâm nhập trực tiếp vào não, theo một nghiên cứu mới tiết lộ.

Nghiên cứu mới còn sơ bộ nhưng đã cung cấp một số dòng bằng chứng để hỗ trợ cho một giả thuyết trước đây. Theo bài báo do nhà nghiên cứu miễn dịch học Akiko Iwasaki của ĐH Yale dẫn đầu, virus có thể tái tạo ở trong não và sự hiện diện của nó làm các tế bào não gần đó bị thiếu oxy dù mức độ phổ biến của điều này là chưa rõ ràng.

Tiến sĩ S Andrew Josephson, chủ nhiệm khoa thần kinh tại ĐH California, San Francisco đã ca ngợi những kỹ thuật được sử dụng trong nghiên cứu. Ông nói "việc hiểu được virus có liên quan đến não trực tiếp hay không là cực kỳ quan trọng". Tuy nhiên, cho đến khi nghiên cứu này được đánh giá ngang hàng, ông Josephson sẽ vẫn rất thận trọng.

Theo nghiên cứu mới, Covid-19 có thể xâm nhập vào não, tự sao chép và khiến các tế bào não gần đó thiếu oxy. Ảnh: Nytimes

Sẽ không có gì là sốc nếu Sars-CoV-2 có khả năng phá vỡ hàng rào máu não, một cấu trúc bao quanh mạch máu não và cố ngăn chặn các chất lạ xâm nhập. Virus Zika cũng đã làm điều này và gây tổn thương đáng kể cho não của thai nhi.

Tuy nhiên, cho đến nay các bác sĩ vẫn tinh rằng những tác động thần kinh mà một nửa bệnh nhân Covid-19 gặp phải là do phản ứng miễn dịch bất thường có tên bão cytokine gây ra. Đây là hiện tượng gây viêm não chứ không phải do virus xâm nhập trực tiếp.

Tiến sĩ Iwasaki và các đồng nghiệp đã quyết định tiếp cận câu hỏi theo 3 cách: cách một là lây nhiễm cho những bộ bão nhỏ được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (cơ quan tế bào não), thứ hai là lây nhiễm cho chuột và thứ ba là kiểm tra các mô não của bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã tử vong.

>> Xem thêm: 'Chợ đen' giấy chứng tử nở rộ vì Covid-19 tại Mexico

Trong những cơ quan tế bào não, nhóm nghiên cứu phát hiện Sars-CoV-2 có thể lây nhiễm các tế bào thần kinh, sau đó chiếm quyền điều khiển bộ máy tế bào thần kinh để tạo ra các bản sao của chính nó. Những tế bào bị nhiễm virus lại làm nghẹt nguồn cung cấp oxy của những tế bào xung quanh, khiến các tế bào đó bị chết.

Một trong những lập luận chính phản bác lại giả thuyết Covid-19 xâm nhập trực tiếp vào não đó là não thiếu protein ACE2 để virus corona bám vào. Trong khi các cơ quan khác như phổi lại có nhiều protein này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những cơ quan tế bào não đủ ACE2 để tạo điều kiện thuận lợi cho virus xâm nhập. Những protein này cũng được tìm thấy trong mô não của bệnh nhân đã qua đời.

Họ cũng tiến hành chọc nước tủy sống của một bệnh nhân Covid-19 nhập viện đang bị mê sảng. Nhóm đã tìm thấy kháng thể trung hòa chống virus trong dịch tủy sống của bệnh nhân. Vậy là thêm một bằng chứng nữa ủng hộ giả thuyết của họ.

>> Xem thêm: Ấn Độ chấn động vì nữ bệnh nhân Covid-19 bị tài xế xe cứu thương xâm hại

Sau đó, nhóm nghiên cứu đã xem xét 2 nhóm chuột. Một nhóm bị thay đổi gene để chỉ có thụ thể ACE2 trong phổi. Nhóm còn lại chỉ có trong não. Nhóm chuột bị nhiễm bệnh ở phổi có một số dấu hiệu tổn thương phổi, nhóm bị nhiễm ở não đã Giảm cân và tử vong nhanh chóng. Điều đó cho thấy khi virus xâm nhập vào não thì khả năng tử vong cao hơn.

Cuối cùng, khi các nhà nghiên cứu kiểm tra não của 3 bệnh nhân chết vì Covid-19, họ tìm thấy virus ở tất cả các mức độ khác nhau. Điều thú vị là các vùng bị nhiễm không cho thấy dấu hiệu bị tế bào miễn dịch xâm nhập. Nếu ở bệnh nhân nhiễm Zika hay herpes, người ta thấy các tế bào miễn dịch như tế bào T sẽ lao đến các vị trí có virus để tiêu diệt tế bào bị bệnh. Nó ám chỉ rằng cơn bão cytokine có thể không phải là nguyên nhân chính gây ra những triệu chứng về thần kinh.

Người ta đưa ra giả thuyết mũi chính là con đường để Covid-19 đến não, tuy nhiên các tác giả cho biết vẫn cần nghiên cứu thêm để có đáp án chính xác. Họ cũng nói cần phải làm khám nghiệm tử thi nhiều hơn để biết việc não nhiễm virus phổ biến tới mức nào.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news