Tin mới

Phát hiện dấu hiệu sửa bài thi gốc: "Rất khó để biết đâu là can thiệp của thí sinh và người ngoài"

Thứ ba, 24/07/2018, 15:34 (GMT+7)

Một giảng viên Đại học Bách khoa cho biết trên Dân trí, nếu không được camera ghi lại thì không có căn cứ để khẳng định người ngoài đã tẩy xóa bài thi gốc của thí sinh.

Một giảng viên Đại học Bách khoa cho biết trên Dân trí, nếu không được camera ghi lại thì không có căn cứ để khẳng định người ngoài đã tẩy xóa bài thi gốc của thí sinh.

Tổ công tác của Bộ GD-ĐT chưa thể kết luận được có bao nhiêu bài thi bị sửa điểm ở Sơn La. Điều phức tạp là tổ công tác phát hiện bước đầu thấy có dấu hiệu sửa bài thi gốc môn trắc nghiệm (phiếu trả lời trắc nghiệm) của một số thí sinh.

Ông Đào Tuấn Đạt (giảng viên Đại học Bách khoa, Trưởng ban điều hành Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội) phân tích trên báo Dân trí, do việc chỉnh sửa, can thiệp, được người nào đó thực hiện ngay trên bài thi gốc của thí sinh, nên rất khó để biết đâu là can thiệp của thí sinh và đâu là của người ngoài.

Nếu không có camera ghi lại thì không có cơ sở để khẳng định sự tẩy xóa trên bài thi là do người ngoài làm.

Vị này nói chỉ còn cách dựa vào điều tra của Bộ Công an và giám định nét chữ, đặc biệt cần thiết phải điều tra từ hội đồng chấm thi. Bởi theo ông Đạt, những người này sẽ có danh sách các thí sinh cần được sửa điểm và sửa bao nhiêu điểm.

Cũng theo nguồn trên, ông Vũ Khắc Ngọc (chuyên gia giáo dục ở Hà Nội) cho rằng rất khó để đưa về điểm thật cho thí sinh.

"Nếu giám định nét chữ trên hàng nghìn bài thi trắc nghiệm, tôi nghĩ rất khó khăn", ông Ngọc nói.

Chia sẻ trên báo Thanh niên, nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học viện Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, nên mời Viện Khoa học Hình sự lấy mẫu than bút chì của các bài thi có dấu hiệu chỉnh sửa, tẩy xóa, can thiệp... để giám định, có thể qua cách tô sẽ biết do một người hay trên một người thực hiện.

Theo Thanh niên, có 4 bước trong cách thức chấm thi THPT Quốc gia, trước khi ra điểm cuối cùng, đó là: scan bài thi của thí sinh; scan ảnh vào máy tính; chuyển ảnh sang dạng file text và chấm tự động.

Nếu ở Sơn La việc gian lận diễn ra ở ngay khâu đầu tiên là scan bài của thí sinh thì ở Hà Giang, việc sửa điểm diễn ra từ khâu thứ 3 - chuyển ảnh sang dạng file text. Ông Bùi Việt Hà (Giám đốc Công ty công nghệ tin học nhà trường - School@net) nhận định việc gian lận điểm ở Sơn La tinh vi hơn nhiều ở Hà Giang.

(Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news