Hàng chục loài động, thực vật nằm trong danh sách đỏ thế giới như loài mang Roosevelt, tắc kè chân vịt, dẻ tùng sọc trắng... vừa được phát hiện đang sống trong rừng ở Thanh Hóa.
Sau hai năm triển khai dự án Điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng tại các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên và vườn quốc gia Bến En (tỉnh Thanh Hóa).
Tính đến tháng 9/2014, các nhà khoa học đã phát hiện thêm gần 1.000 loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có hàng chục loài động, thực vật thuộc danh mục sách đỏ thế giới như loài mang Roosevelt, tắc kè chân vịt, rắn hổ đất nâu, thằn lằn tai lõm, dẻ tùng sọc trắng...
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có thêm 20 loài cá, 98 loài côn trùng, 13 loài thú… Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, các nhà khoa học ghi nhận thêm thông tin của 402 loài thực vật, 25 loài thú, 56 loài chim, 14 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư…
Loài mang Roosevelt được phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Đây là loài đã được coi như tuyệt chủng từ năm 1929.
Sau khi triển khai dự án này, các nhà khoa học đã xác định được tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia kể trên có gần 8.000 loài động, thực vật sinh sống; trong đó có hơn 1.200 loài động, thực vật nằm trong danh lục sách đỏ thế giới và 324 loài nằm trong danh lục sách đỏ Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng không bắt gặp trên 900 loài động, thực vật từng được ghi nhận tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia kể trên.
Việc phát hiện thêm nhiều loài động, thực vật quý hiếm giúp các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu về các loài, chi, cá thể, bảo tồn nguồn gen quý hiếm và có được cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học.
Đây cũng là cơ sở để các Ban quản lý rừng đặc dụng, các đơn vị liên quan tiến hành đồng bộ các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học.
Theo Duy Cảnh