Tin mới

Phát hiện hóa thạch ốc biển hơn 240 triệu năm lớn nhất Việt Nam

Thứ năm, 23/07/2015, 10:05 (GMT+7)

Mẫu hóa thạch ốc biển hơn 240 triệu năm lớn nhất Việt Nam mới được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đưa về lưu trữ và trưng bày.

Mẫu hóa thạch ốc biển hơn 240 triệu năm lớn nhất Việt Nam mới được Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đưa về lưu trữ và trưng bày.

Theo tin tức từ Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam, cơ quan này mới tiếp nhận đưa về lưu trữ và trưng bày mẫu hóa thạch ốc biển có kích thước lớn nhất, lần đầu tiên được phát hiện trong địa tầng của kỷ Trias ở Việt Nam.

Trước đó, anh Trương Văn Đại (27 tuổi, công nhân mỏ đá Hoàng Mai, trú tại xóm 9A, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), trong lúc làm việc tại mỏ đá đã phát hiện miếng đá vỡ ra có hình dạng và màu sắc rất giống với ốc biển nên giữ làm kỷ niệm.

Phát hiện hóa thạch ốc biển hơn 240 triệu năm lớn nhất Việt Nam (ảnh Phòng địa chất- Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam)

Mới đây, anh Đại có mang miếng đá này đến hỏi các nhà khoa học ở Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo kết quả giám định, mẫu hóa thạch ốc biển này ngành Động vật thân mềm (Mollusca), lớp Chân bụng (Gastropoda), họ Naticopsidae, giống Naticopsis. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu cổ sinh trên thế giới đã phát hiện được hóa thạch của 85 loài ốc biển thuộc giống Naticopsis trong các đá trầm tích thuộc các tướng biển nông ven bờ, tướng thềm lục địa, trong các rạn ám tiêu san hô cổ; có niên đại từ 449,5 triệu năm (kỷ Ordovic) đến 66,043 triệu năm (cuối kỷ Creta) ở Châu Úc, Nam Mỹ, Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Hóa thạch sưu tập được có chiều cao vỏ 145 mm; chiều rộng 130 mm, chiều dày 7 mm; được xác nhận nằm trong lớp đá vôi màu xám sáng, phân lớp dày thuộc phần trên của hệ tầng Hoàng Mai, tuổi Anisi (T2a hm), ứng với khoảng 247,2 - 242 triệu năm trước.

H.Nguyen (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news