Theo PGS, tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, việc nhà trường phạt học sinh điểm kém làm bài dưới cờ là hành vi không hay, "nó giống như ném đá".
Theo báo Pháp luật TP HCM phản ánh, trong buổi lễ chào cờ một số tuần gần đây, trường THCS Bình An (quận 2, TP HCM) đã áp dụng phương pháp phạt những học sinh bị điểm kém trong kỳ kiểm tra giữa kỳ 1 bằng cách bắt lên trước cờ làm bài kiểm tra dưới sự chứng kiến của toàn trường.
Cụ thể, sau khi có kết quả, những em nào bị điểm kém các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh sẽ bị nêu tên, nhắc nhở trước giờ chào cờ đầu tuần. Mỗi tuần sẽ phê bình một môn. Ngày 26/10, trường phê bình những em bị điểm kém môn Toán; ngày 2/11 phê bình những em yếu môn Ngữ văn và thứ hai tuần tới (9/11) dự kiến phê bình những em bị điểm yếu môn Tiếng Anh.
Cách làm này khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Theo các phụ huynh, đây là cách làm phản giáo dục, xúc phạm danh dự các em. Đồng thời, không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý của các em bị phạt mà những học sinh khác cũng thấy bị áp lực học tập, ngại đi học.
Ngôi trường xảy ra sự việc phê bình HS gây bức xúc cho phụ huynh. Ảnh: Pháp luật TP HCM |
Cũng theo thông tin trên Pháp luật TP HCM , trao đổi với phóng viên báo này sáng 6/11, bà Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường, thừa nhận làm trên. Tuy nhiên, theo bà Hiệp, trường làm vậy là để nhắc nhở chung, giúp những em đó ngoan hơn, cố gắng học tập tốt hơn chứ không có ý trù dập hay gây khó khăn cho HS.
"Có thể cách làm của nhà trường chưa khéo nên khiến phụ huynh phiền lòng”, Pháp luật TP HCM dẫn lời bà Hiệp.
Trong thời điểm tình trạng bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây và được cảnh báo là có xu hướng gia tăng, thông tin về cách xử lý học sinh học kém của trường THCS Bình An không chỉ gây bức xúc cho phụ huynh trong trường mà còn thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước.
Trao đổi với phóng viên về việc này, PGS, tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định: việc nhà trường phạt học sinh điểm kém làm bài dưới cờ là hành vi không hay, "nó giống như ném đá". Cách giáo dục này cũng sẽ tác động xấu, góp phần làm gia tăng tình trạng bạo lực học đường.
"Một số người sử dụng biện pháp bạo lực về tinh thần đối với người khác và cho rằng có thể thay đổi được nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm, không có tác dụng, thậm chí gây ra những tiêu cực khác. Ngày xưa, cách dạy trẻ bằng roi vọt đã là không hay nhưng dường như nhà nào cũng sử dụng cách này còn ngày nay, khi xã hội thay đổi nhiều, quyền trẻ em được tôn trọng thì việc ai đó dùng cách này để giáo dục là không ổn", bà Hương nói.
PGS, tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Khám Phá |
Đặt trong trường hợp của nhà trường muốn rèn các em học kém nỗ lực hơn, bà Hương cho rằng, trước tiên phải tìm hiểu nguyên nhân việc các em bị điểm kém rồi mới chọn cách xử lý phù hợp với từng em.
"Để học tốt các em phải có tâm lý thoải mái, chủ động. Với những học sinh học kém, nhà trường phải tìm hiểu nguyên nhân của từng em xem do sức khỏe yếu, do gia đình hay do phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa phù hợp rồi mới đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Với giáo viên, cần phải có phương pháp kích thích các em thích học tập. Giáo viên có quyền trách mắng học sinh khi chúng mảng chơi trong giờ học nhưng phải đặt quyền lợi của chúng lên đầu. Khi học sinh bị hấp dẫn từ việc học thì chắc chắn chúng sẽ thích học và học tốt. Muốn làm được điều này chúng ta cũng phải thay đổi quan điểm trong việc dạy và học. Giáo viên đừng dạy học sinh bằng hình thức và học sinh cũng đừng học chỉ để thi cử", bà Hương nói.
Từ những phân tích trên, bà Hương nhấn mạnh, nhà trường, giáo viên tuyệt đối không nên dùng các biện pháp bạo lực dù bạo lực thân thể hay bạo lực tinh thần trong giáo dục học sinh. Bởi nó không làm học sinh ngoan hơn, học tốt hơn mà còn đem đến những tiêu cực khác, tổn thương lâu dài đến tâm lý trẻ như: sợ học, ghét đến trường...
H.Minh