Tin mới

Phạt tiền nếu không mặc áo phao khi qua sông: Ai phạt, phạt ai?

Thứ ba, 28/06/2016, 18:02 (GMT+7)

Liên quan tới quy định phạt tiền người không mặc áo phao khi qua sông sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 01/7/2016, một số độc giả bày tỏ sự băn khoăn trước sự khả thi của luật này nếu áp dụng vào thực tế.

Liên quan tới quy định phạt tiền người không mặc áo phao khi qua sông sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 01/7/2016, một số độc giả bày tỏ sự băn khoăn trước sự khả thi của luật này nếu áp dụng vào thực tế.

Theo Nghị định của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thì từ ngày 01/7/2016, hành khách có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 200 ngàn đồng nếu đi trên phương tiện chở khách ngang sông mà không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang theo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Ngoài ra, người lái phương tiện, thuyền viên phải có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách. Trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ an toàn cho hành khách, người lái phương tiện sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 đến 100 ngàn  đồng đối với phương tiện chở 12 khách.

Mặc dù theo quy định, việc phạt tiền người không mặc áo phao khi qua sông chuẩn bị được áp dụng nhưng không ít người vẫn còn phân vân. Bởi thực tế hiện nay, nhiều chủ đò, chủ phà không quan tâm cũng như nhiều hành khách qua sông vẫn chưa có ý thức mặc áp phao để đảm bảo an toàn tính mạng thì liệu ai liệu ai sẽ là người phạt và sẽ phạt những ai. 

Từ 01/7/2016, hành khách qua sông không mặc áo phao sẽ bị phạt. Ảnh: Hà Nội Mới

Sự phân vân, nghi ngại của độc giả được nhận định là xuất phát từ những nguyên do có cơ sở trong thực tế. 

Phạt ai?

Mặc dù việc xử phạt đã được quy định rõ trong Nghị định nhưng chính  ông Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên Xung phong tại Tp. Hồ Chí Minh lại khẳng định, hành khách qua sông bằng phà hai lưới (khách lên xuống bằng hai đầu phà), và cụ thể trong trường hợp này là phà Cát Lái, Bình Khánh nếu không mặc áo phao cũng không bị phạt. Và theo lý giải của vị Phó Giám đốc này, bến phà thuộc công trình đường bộ nên áp dụng theo Luật Giao thông đường bộ chứ không thể áp dụng xử phạt về giao thông đường thủy.

Như vậy, rõ ràng, trong trường hợp này, không phải ai qua sông mà không mặc áo phao đều bị phạt bởi còn liên quan tới vấn đề công trình cầu phà thuộc đường thủy hay đường bộ. Và theo đó, nội dung trong Nghị định sắp sửa có hiệu lực bị đánh giá là thiếu chặt chẽ. 

Ngoài ra, chỉ những bến đò, bến phà tập trung lượng khách qua sông đông đúc thì mới có thể có được sự túc trực, giám sát của lực lượng chức năng, đảm bảo quy định được “mặc áo phao khi qua sông” được thực hiện. Thế nhưng đối với những bến đò, phà thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người dân ít có cơ hội được tiếp nhận thông tin đầy đủ, hơn nữa, việc giám sát khách qua sông cũng không thể được thực hiện chặt chẽ và thường xuyên như ở các vùng trung tâm, vùng đông dân cư. Do đó, trong khi người dân vẫn còn qua sông theo thói quen thì biết phạt ai! 

Đối với các khu vực vùng sâu vùng xa, việc xử phạt hành khách qua sông mà không mang áo phao càng không phải là chuyện dễ. Ảnh minh họa

Ai phạt?

Trước đó, thông tin trên báo Tuổi trẻ, Chi Cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam Hoàng Văn Hùng cho biết, nếu hành khách qua sông mà không mặc áo phao thì chủ tàu, chủ đò phải kiên quyết không cho phương tiện rời bến, đồng thời buộc những hành khách này phải lên bờ. Nếu chủ tàu đò vẫn cố tình chở người không mặc áo phao qua sông thì bị phạt tiền từ 200 ngàn đến 4 triệu đồng. Cùng với đó, chủ tàu đò nếu không trang bị hoặc không đủ áo phao cho hành khách thì bị phạt từ 2 trăm đến 3 triệu đồng tùy vào từng trường hợp.

Quy định về mức phạt có thể đã cụ thể, thế nhưng độc giả đặt trường hợp nếu vi phạm, họ cũng không biết phải cơ quan, tổ chức nào sẽ đứng ra thu tiền phạt.

Hơn nữa, chính Chi Cục trưởng Chi cục Đường thủy cũng thừa nhận, lực lượng chức năng không thể túc trực tại các bến phà, bến đò để kiểm tra 24/24. Do đó, nếu trường hợp “xảy ra vi phạm” thì ít có chủ phà, chủ đò nào lại tự phạt mình và chuyện phạt hành khách trong tình huống này lại càng trở nên không thể.

Theo nhiều ý kiến của độc giả, về vấn đề này, thay vì áp dụng hình thức phạt hình chính, các chủ phương tiện cũng như cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở hành khách mặc áo phao khi qua sông để dần trở thành thói quen, đảm bảo an toàn tính mạng cho chính họ. 

Quy định phạt hành khách không mặc áo phao khi qua sông khiến nhiều độc giả liên hệ tới trường hợp “thiếu khả thi” của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã từng được ban hành vào ngày 01/5/2013 và Nghị định 176 quy định mức phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng được áp dụng từ ngày 31/12/2013.

Ý nghĩa của Luật này là đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện để phòng chống tác hại thuốc lá. Thế nhưng, sau hơn 3 năm có hiệu lực, để luật đi vào cuộc sống một cách thực chất thì có vẻ vẫn còn lắm gian nan. Bởi người bán vẫn công khai bán, người hút vẫn công khai hút, quy định cấm và xử phạt người hút thuốc lá ở nơi công cộng gần như chỉ được thực hiện ở khâu... cắm biển. 

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news