“Nếu đề xuất áp dụng hình phạt tù đối với lái xe say xỉn thì có lẽ Việt Nam phải xây dựng thêm nhiều trại giam”, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết.
Đề xuất còn nhiều bất cập
Xung quanh đề xuất của Tổng cục Đường bộ gửi đến Bộ GTVT về việc áp dụng hình phạt tù đối với các lái xe vi phạm nồng độ cồn cho phép, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, vấn đề này đã được bàn tới tại một hội nghị của 3 cơ quan gồm: Trung tâm thông tin của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của QH và Văn phòng QH từ giữa năm 2012, mà ông cũng là người được trình bày tham luận tại hội nghị này.
Trong đó, đề xuất về tịch thu phương tiện và xử lý hình sự đối với người lái xe say xỉn đã bị đa số các đại biểu QH không đồng tình. Từ đó đến nay vẫn chỉ áp dụng hình thức xử lý vi phạm hành chính với từng mức phạt tùy mức độ sai phạm đối với các lái xe say xỉn, vượt quá nồng độ cồn cho phép.
Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội chia sẻ quan điểm với phóng viên quanh đề xuất mới của Tổng cục Đường bộ về phạt tù lái xe say xỉn.
Hiện nay, khi đề xuất này được nói tới khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đã thu hút được nhiều sự quan tâm chia sẻ từ các tầng lớp nhân dân. “Nếu thực hiện đề xuất này, thì có lẽ Nhà nước phải đầu tư và xây dựng thêm nhiều trại giam và quản giáo hơn trước vì số lượng người vi phạm là quá nhiều. Khi đó, chắc phải tiến hành xã hội hóa việc xây nhà tù vì kinh phí quá lớn”, ông Liên cho biết. Cần phải hiểu rằng, người say xỉn chỉ là tiền đề cho việc gây tai nạn cho người khác chứ chưa gây ra tai nạn trên thực tế nên chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính là đủ sức răn đe.
Đồng ý với quan điểm nên học hỏi những cách làm hay từ bạn bè quốc tế trong việc đảm bảo ATGT, quản lý phương tiện và kiềm chế TNGT của UB An toàn giao thông quốc gia và các đơn vị liên quan, nhưng khi áp dụng phải nghiên cứu tình hình thực tế trong nước như thế nào, chớ áp dụng một cách máy móc rập khuôn. Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội dẫn chứng, nếu phạt tù những người say lái xe thì ở các địa phương miền núi hay vùng cao, hầu như ngày nào bà con cũng sử dụng rượu như một thói quen thì làm sao mà phạt tù nhiều như thế được.
Qua đây, có thể thấy việc sử dụng rượu bia trong các dịp lễ tết hội hè hay tương tự đã hình thành nên một nếp sống văn hóa có tính chất truyền thống của người Việt Nam. Việc hình sự hóa hành vi lái xe say xỉn thay vì phạt hành chính (dân sự) một cách nôn nóng như vậy còn quá nhiều bất cập mà cần phải tiến hành theo lộ trình với các bước đi thật chặt chẽ, ông Liên nhấn mạnh.
Nhiều lái xe tỏ ra băn khoăn về đề xuất mới gây tranh cãi này.
Chung ý kiến với Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, anh Nguyễn Bá Hiệp (27 tuổi, tài xế hãng taxi Sao Hà Nội) chia sẻ: “Đề xuất này theo tôi là không hợp lý. Bởi việc phạt tù sẽ khiến cho người lái xe bị xã hội kỳ thị. Nay mai ra đường mà mang trong mình cái án đi tù thì còn ai dám thuê nữa”. Anh Hiệp cũng tâm sự, để đảm bảo an toàn cho cả mình và hành khách nên cứ mỗi khi đi làm là anh đều tìm mọi cách “nói không” với rượu bia.
“Rượu bia là thói quen khó bỏ của nhiều người. Như bản thân tôi chẳng lẽ cứ hôm nào đi đám cưới hay tiệc tùng bạn bè thì lại phải bỏ làm hoặc bắt taxi về rồi hôm sau quay ra quán nhậu lấy như thế rất bất tiện, hơn nữa không phải ai cung có điều kiện gọi xe đưa về”, anh Lê Đức Tại (44 tuổi, quê Mỹ Đức, Hà Nội) tâm sự. Còn theo tài xế Mai Tuấn Anh (hãng taxi Mỹ Đình) cũng cho hay, việc phạt tù lái xe say rượu bia là quá nặng. Nên chăng chỉ cần tăng tiền xử phạt và chỉ tạm giữ hình sự đối với lái xe khi bị lực lượng chức năng phát hiện có dấu hiệu tội phạm hình sự.
Phạt tài xế say xỉn đi lao động công ích
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, lộ trình để hạn chế người lái xe sử dụng rượu bia bao gồm cả việc vận động các tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc. Cụ thể, phải hình thành lộ trình về quản lý, điều tiết và sản xuất rượu bia trong nước; Hạn chế nhập khẩu các loại rượu ngoại có nồng độ cồn cao; Hạn chế việc mở rộng quy mô các nhà máy sản xuất bia.
Nhưng dường như, thực tế lại đang diễn ra ngược lại. Đó là việc Bộ Tài chính vẫn đồng ý cho mở rộng một số nhà máy sản xuất bia rượu để tăng thu ngân sách từ tiền thuế của doanh nghiệp. Hay việc cấp phép cho xây dựng nhà máy bia Tiệp lớn nhất Châu Á của tập đoàn BTG Holding tại huyện Lạc Thủy, Hòa Bình được khởi công từ tháng 11/2013 và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối tháng 11/2015.
Đứng dưới góc độ quản lý của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, ông Bùi Danh Liên kiến nghị: “Quốc hội nên xem xét, bổ sung vào việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người lái xe vượt quá nồng độ cồn cho phép khi chưa gây ra tai nạn hình thức lao động công ích và cải tạo không giam giữ trong một thời gian nhất định”. Việc này sẽ làm giảm đáng kể tình trạng vi phạm an toàn giao thông ở nước ta, bởi nó đánh vào tâm lý xấu hổ, e ngại trước đám đông của người dân. Đối với các trường hợp cố tình lái xe trong tình trạng say xỉn và gây ra tai nạn nghiêm trọng thì cơ quan chức năng có quyền tạm giữ hình sự với các “quái xế” này.
Cũng theo ông Liên, các nhà làm luật nên nghiên cứu thật kỹ mọi phương án trước khi đưa ra đề xuất cuối cùng trình Quốc hội thông qua. Mọi đề xuất cần phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Đảm bảo tính răn đe và giáo dục ý thức của con người tự giác chấp hành luật lệ ATGT. “Nếu mức chế tài xử phạt hành chính chưa đủ tính răn đe thì cơ quan chức năng có thể tăng dần dần mức phạt đó lên. Chứ đừng áp dụng ngay hình thức phạt tù một cách nóng vội như thế này được. Việc một số quốc gia áp dụng thành công hình thức này bởi điều kiện nước họ cho phép, nước ta còn quá nhiều bất cập nên cần phải xem xét thật thận trọng”, ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh thêm.
Như vậy, qua thu thập ý kiến của đại diện một tổ chức XH nghề nghiệp trong ngành vận tải thủ đô và nhiều lái xe có thể thấy, tính khả thi của đề xuất phạt tù đối với người lái xe say xỉn của Tổng cục đường bộ trình Bộ GTVT cần phải được các cơ quan chức năng xem xét lại thật kỹ càng trước khi đưa vào áp dụng thực tiễn tại Việt Nam.
Đình Tuệ - Vân Anh