Tin mới

Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu chỉ rõ nguyên nhân ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư

Thứ sáu, 27/10/2017, 21:13 (GMT+7)

Bác sĩ CKI Lê Trọng Hậu – Phó Giám đốc chuyên môn và Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết bệnh ung thư ngày càng trẻ hóa.

Bác sĩ CKI Lê Trọng Hậu – Phó Giám đốc chuyên môn và Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết bệnh ung thư ngày càng trẻ hóa.

3 nguyên nhân chính khiến ngày càng trẻ hóa

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua, hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 126.000 ca.

Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca. Với nam giới, phổ biến là các dạng ung thư: Phổi, dạ dày, đại - trực tràng, thực quản... còn nữ giới là ung thư: Vú, đại - trực tràng, dạ dày, tuyến giáp, cổ tử cung.

Theo bác sĩ Hậu có 1 số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ hóa độ tuổi trong căn bệnh ung thư như sau:

- Do môi trường ô nhiễm khiến số lượng bệnh tăng và độ tuổi ngày càng trẻ hóa

- Lối sống thời buổi công nghiệp ảnh hưởng tới tính chất bệnh tật: rượu bia, thức đêm, áp lực công việc, thực phẩm bẩn...

- Trước kia, bệnh nhân ung thư dưới 20 tuổi vô cùng ít nhưng ngày nay bệnh nhân dưới 20 tuổi ngày càng nhiều, đặc biệt là ung thư dạ dày. Tuổi trung niên, bệnh ung thư vú – phụ khoa, tuyến giáp cũng ngày càng tăng. Do người dân có ý thức chăm sóc sức khỏe hơn họ đi khám sớm và tìm ra bệnh nhiều hơn.

Phó giám đốc bệnh viện ung bướu chỉ rõ nguyên nhân ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư - Ảnh 1.

Tế bào ung thư.

Bác sĩ Hậu cho biết, ông từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân. Trong đó có 1 bệnh nhân hơn 20 tuổi bị K đại tràng, dù tuổi còn rất trẻ nhưng tiếc rằng bệnh nhân đã đến với bác sĩ quá muộn, lúc đó khối u đã di căn gan, di căn tụy đa ổ. Lúc đó bệnh nhân đến đây xin được ở lại điều trị đến phút cuối cùng trong điều kiện kinh tế hoàn toàn khó khăn.

Mặc dù bệnh viện đã tài trợ điều trị hóa chất cho cháu nhưng tiếc rằng bệnh tình của cháu đã quá nặng. Trước khi ra đi, cháu đã nói rất nhiều câu xúc động, tuổi trẻ còn rất nhiều khát khao nhưng phải dừng lại, đặc biệt khi bệnh nhân là học rất giỏi thì còn đáng tiếc hơn rất nhiều. Những cảm xúc đó khiến bác sĩ nhớ mãi.

Bác sĩ Hậu tâm sự khi còn trẻ, mới ra trường đến lúc nghỉ hưu, cuộc đời bác sĩ làm việc với bệnh nhân ung thư rất nhiều, cái chết của người bị ung thư khác lắm, họ chết trong đau đớn, quằn quại.

Không chỉ người thầy thuốc mà những người xung quanh cũng không thể kìm lòng được trước những nỗi đau đó. Có rất nhiều bệnh nhân họ tìm tới bác sĩ khi chẳng còn gì, họ xin được nằm tại viện cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

"Chúng tôi chăm sóc họ từ lúc họ còn bước đi bằng đôi chân của chính mình cho đến lúc họ không còn ý thức, chúng tôi hiểu rõ cả bệnh tật lẫn con người họ, thử hỏi làm sao không đau lòng. Phải nói rằng ung thư tàn phá sức khỏe của con người một cách kinh khủng" – bác sĩ Hậu tâm sự.

Đối tượng nào nên sàng lọc ung thư sớm?

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 trường hợp mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư, cao gấp 7 lần số ca tử vong do TNGT. Bệnh nhân ung thư hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong lên đến 55% trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán.

Hơn 40 năm gắn bó với bệnh nhân, với "thập tử nhất sinh" bác sĩ Hậu tâm sự chỉ mong người dân chúng ta hãy ý thức nhiều hơn nữa về lợi ích của việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư sớm, chỉ việc đó thôi sẽ giúp nỗi đau ung thư được xóa bỏ, cuộc sống mới trở nên tốt đẹp hơn.

Nhất là đối với những người có nguy cơ cao như yếu tố di truyền; Hoặc với nam giới thường hút thuốc lá nên khám sàng lọc ung thư: Phổi, vòm họng, thực quản, đại trực tràng; Nếu ợ chua, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa thì nên sàng lọc ung Thư Đường tiêu hóa; Với nữ giới sinh con nhiều, sinh sớm hoặc có nhiều bạn tình nên sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, có một số dấu hiệu báo động của ung thư mà người bệnh cần đi kiểm tra để sàng lọc như: Có vết loét lâu liền; Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; Chậm tiêu, khó nuốt; Có khối u ở vú hay trên cơ thể; Hạch to lên bất bình thường; Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo; Gầy, sụt cân, thiếu máu không rõ nguyên nhân.

 
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news