Tin mới

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Môi trường bệnh viện dày đặc vi khuẩn, nhiều loại đã kháng thuốc

Thứ tư, 22/11/2017, 14:27 (GMT+7)

PGS.TS, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề nhiễm khuẩn trong bệnh viện không phải là vấn đề mới và trước đây cũng đã có nhiều trường hợp tử vong vì nguyên nhân này.

PGS.TS, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề nhiễm khuẩn trong bệnh viện không phải là vấn đề mới và trước đây cũng đã có nhiều trường hợp tử vong vì nguyên nhân này.

Sáng 22.11, bên hành lang Quốc hội, chia sẻ với báo chí về vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, vấn đề nhiễm khuẩn trong bệnh viện không phải là vấn đề mới và trước đây cũng đã có nhiều trường hợp tử vong vì nguyên nhân này, thông tin trên Trí Thức Trẻ đăng tải.

Theo bà Lan, với việc cùng lúc 4 trẻ sơ sinh tử vong là báo động đỏ đối với ngành y tế.

Bà Phạm Khánh Phong Lan.

"Thực tế, trong môi trường bệnh viện của chúng ta hiện nay đang có dày đặc các loại vi khuẩn và nhiều loại khuẩn giờ đã kháng thuốc, không thể chữa nổi.

Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện còn nguy hiểm hơn cả bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải, nhất là đối với người già, trẻ sinh non, sơ sinh, sức đề kháng yếu... thì càng dễ bị các vi khuẩn dày đặc trong bệnh viện tấn công", bà Lan cho hay.

Vị đại biểu Quốc hội này cũng không ngần ngại chia sẻ trường hợp bố bà trước đây cũng đã mất vì nguyên nhân nhiễm khuẩn khi vào bệnh viện điều trị.

"Bố tôi trước đây vào bệnh viện mổ, sức khỏe yếu. Ông được bệnh viện điều trị xuất huyết tiêu hóa nhưng sau khi điều trị bệnh chính xong lại sốt, kiểm tra thấy phát hiện biến chứng qua viêm phổi. Các bác sĩ xác định nguyên nhân do khuẩn bệnh viện gây ra. Vì viêm phổi phải dùng kháng sinh và nâng dần liều lên, đến khi chữa xong thì ông lại bị suy đa phủ tạng, suy thận và qua đời do chịu không nổi", đại biểu Lan kể.

Từ câu chuyện của gia đình và vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong, bà Lan cũng chỉ rõ thực tế, dù ngành y tế, nhiều bệnh viện thừa nhận tình trạng nhiễm khuẩn trong viện rất nguy hiểm, nhưng việc nhận thức để đưa vào thành vấn đề hành động vẫn chưa kịp thời.

Bộ trưởng Tiến thăm các bé điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

Đại biểu Lan cho rằng tình trạng quá tải bệnh viện, nhất ở các tuyến trung ương khiến cho tình trạng nhiễm khuẩn ngày một tệ hơn, tuyến cuối cũng là môi trường rất "lý tưởng" để các loại khuẩn dễ tấn công người bệnh.

"Ngay việc chuyển các em sinh non, yếu ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh lên Trung ương điều trị tôi cũng rất lo bởi thời tiết những ngày qua lạnh, việc di chuyển xa, trên xe như thế cũng rất dễ nhiễm phải các khuẩn. Rồi đưa vào các bệnh viện điều kiện chưa chắc đã tốt nên có thể các cháu bé vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn lớn. Nhiều người cũng nói, khi có những vụ việc bệnh nhân tử vong, như vụ chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Bộ Y tế khẩn trương kiểm tra lại quy trình nhưng rà soát lại đến đâu rồi thì chưa thấy thông báo. Do đó,  Bộ Y tế cần có biện pháp giải quyết căn cơ, cụ thể chứ không phải lúc xảy ra vụ việc mới làm mạnh”, đại biểu Lan nói.

Trước đó, như báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, ngày 20/11/2017, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh có 4 trẻ sơ sinh tử vong trong quá trình cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện.

4 trẻ tử vong đều là trẻ sinh non từ 32 - 35 tuần, có cân nặng khi sinh từ 1600 gram - 2300 gram. Các bệnh nhi này đều trong tình trạng suy hô hấp và được chẩn đoán suy hô hấp trên trẻ đẻ non, đã được xử lý cho nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch và ăn sữa qua ống thông dạ dày, kháng sinh.

Trong quá trình điều trị từ 4 đến 7 ngày tại Bệnh viện Sản Nhi, vào khoảng thời gian từ 22h ngày 19/11/2017 đến 9h30 sáng ngày 20/11/2017, các trẻ có biểu hiện diễn biến nặng, được điều trị tích cực nhưng không có kết quả và 4 trẻ sơ sinh đã tử vong.

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news