Tin mới

Phó Thủ tướng: Chủ động ứng phó bão số 7 với quyết tâm cao nhất

Chủ nhật, 16/10/2016, 20:11 (GMT+7)

Chiều 16/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 22 tỉnh từ Hải Phòng đến Quảng Bình để triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 7. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.

Chiều 16/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 22 tỉnh từ Hải Phòng đến Quảng Bình để triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 7. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.

Bão số 7 là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định đây là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp. Nếu đường đi của bão không thay đổi so với dự báo hiện nay, đây là cơn bão muộn và trái mùa đối với khu vực Bắc Bộ và xảy ra trong bối cảnh mưa lũ liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày ở Bắc Trung Bộ, các hồ chứa đã tích nước ở mức cao và đầy; diện tích cây trồng màu vụ Đông đã gieo trồng rất lớn...Do vậy, việc ứng phó với cơn bão số 7 đặt ra những tình huống hết sức phức tạp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương sự phối hợp giữa các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong công tác thực hiện phương châm "4 tại chỗ", ứng phó, khắc phục thiên tai (mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão) trong thời gian qua.

Thuyền là phương tiện duy nhất để có thể di chuyển vào sâu trong xóm 1, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc khi có chỗ nước sâu hơn 1 mét. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Từ thực tế diễn biến của cơn bão số 7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu sự vào cuộc quyết tâm ở mức cao nhất của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhằm chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân.

Phó Thủ tướng lưu ý Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, hoặc thoát ra khỏi, không đi vào khu vực nguy hiểm, khu vực ảnh hưởng lớn được xác định là từ khu vực Đông Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ (Hải Phòng đến Quảng Bình).

Các địa phương kiểm điểm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; tùy theo tình hình diễn biến cụ thể của bão chủ động việc cấm biển và quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa, vận hành cửa van, xả nước đón lũ đảm bảo an toàn đập, hạ du các hồ chứa đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu; Rà soát các khu vực nuôi trồng thủy sản, dân cư tại những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.

Các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa, lũ, áp thấp nhiệt đới, bão đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (đang xảy ra lũ lụt) tiếp tục thực hiện nghiêm túc các công điện số 1826 và số 1827 ngày 15/10 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tăng cường, bám sát diễn biến của bão, mưa lũ; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời đến các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân để chủ động phòng tránh.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động rà soát các phương án, chỉ đạo các lực lượng, huy động các phương tiện, phối hợp cùng với chính quyền địa phương sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau mưa, lũ, bão.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục chỉ đạo các tỉnh khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín; chủ động triển khai phương án bảo vệ diện tích hoa màu vụ Đông đã xuống giống; sẵn sàng các giải pháp kỹ thuật, chuẩn bị dự phòng giống cho sản xuất nông nghiệp để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ; chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hệ thống thuỷ lợi.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo việc đảm bảo an toàn các tàu vận tải, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, tránh đứt dây neo ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, va đập giữa các tàu; kiểm tra, bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời khắc phục các sự cố đảm bảo giao thông đường bộ, đường sắt.

Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong việc chăm sóc, sơ cấp cứu cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Bộ Công Thương chỉ đạo việc rà soát hệ thông điện lưới để đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất, dân sinh; phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu cho các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình xây dựng, công trình sản xuất, hầm mỏ, hồ chứa thuỷ điện...

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gia cố, chằng chống các cột ăng ten đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ; sẵn sàng phương án đảm bảo thông tin, liên lạc phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, mưa lũ.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin Duyên Hải và các cơ quan báo Chí Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực bãi ngang ven sông, ven biển.

Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương sẵn sàng chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó và khắc phục hiệu quả; tiến hành rà soát các tỉnh bị ảnh hưởng bởi thiên tai, kiên quyết không để hộ nào bị thiếu đói

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa, lũ; chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách.

Cũng nhằm triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với bão số 7, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chuẩn bị các nhu yếu phẩm thiết yếu lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ kéo dài, địa hình bị chia cắt, không ứng cứu kịp.

Ngay từ ngày 16/10, lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương ven biển quản lý chặt chẽ 1.958 phương tiện tàu thuyền tại các nơi tránh trú, không cho phương tiện nào ra khơi trong lúc biển động do bão số 7 áp sát vào biển Đông. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đã chủ động theo dõi tình hình thời tiết và tổ chức trực ban 24/24 giờ để vận hành đúng quy trình điều tiết đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí chống sạt lở bờ sông và bờ biển, nâng cấp khu tránh trú bão cho tàu thuyền ở Phú Hải, Phú Thuận và cảng cá Thuận An, Tư Hiền. Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư cho tỉnh hai hệ thống máy đo gió ở vùng biển và một máy đo gió ở thành phố Huế, bởi trên địa bàn tỉnh chỉ có máy đo gió ở trạm khí tượng Huế tại xã Thủy Bằng, nằm sâu trong đất liền nên chưa phản ánh đúng cấp độ gió ở khu vực ven biển.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, trong các ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã gây mưa to kèm theo gió lớn trên toàn địa bàn, lượng mưa phổ biến ở mức 200-300 mm, có nơi đến 360mm (trạm Bạch Mã).

Toàn tỉnh có 2 người chết và 2 người bị thương; 6 ngôi nhà bị sập, 334 nhà bị tốc mái; 98ha rau màu bị ngập; 130ha nuôi thủy sản bị mất trắng, sạt lở trên 70km bờ sông và 6,5km bờ biển, ước tính thiệt hại trên 12,5 tỷ đồng.

(Theo Thông tấn xã Việt Nam)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news