Tại cuộc họp chiều 21/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa và xác định lại giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc về cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: TTTT |
Theo thông tin trên VietNamNet, Báo Giao thông, chiều 21/9, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học, Hội Điện ảnh Việt Nam, Tổng Công ty Vận tải thuỷ, đại diện Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).
Tại buổi làm việc, đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam và Công ty VIVASO đều tiếp tục đưa ra ý kiến của mình xoay quanh việc cổ phần hoá.
Phía Hội Điện ảnh vẫn truyền đạt các bức xúc của những nghệ sĩ tại VFS như: Mặt bằng bị tận dụng để kinh doanh, nghệ sĩ không được trả lương hoặc nhận mức lương thấp thảm hại, quy trình cổ phần hoá chưa minh bạch, thương hiệu Hãng phim bị đánh giá thấp. Đặc biệt, các nghệ sĩ không được làm phim, bị buộc đi ở cổng sau của Hãng thay vì cổng chính.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIVASO (chủ sở hữu mới của Hãng phim truyện Việt Nam) vẫn khẳng định không có chuyện tận dụng mặt bằng để kinh doanh, các vấn đề về lương được giải quyết theo đúng luật Lao động. Nguyện vọng của ông vẫn là hợp tác, xây dựng các đoàn làm phim để tạo cho anh em nghệ sĩ công ăn việc làm.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận rằng, để giải toả những bức xúc trong thời gian vừa qua của dư luận và nghệ sĩ thì phải minh bạch. Phó Thủ tướng yêu cầu cho thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá.
Đại diện Hội điện ảnh Việt Nam cùng toàn bộ các thành phần tham dự đã rất ủng hộ với chỉ đạo này của Phó Thủ tướng. "Tôi quá vui mừng, tôi sẽ thông báo tin vui này tới tất cả các anh em nghệ sĩ, ngay lúc này", bà Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ.
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.
Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim của hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp.
Ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam.
Năm 2016, Hãng phim Truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị này vào tháng 6/2017. Hiện tại, Hãng có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.
Đức Hòa (tổng hợp)