Tin mới

Chuyên gia "mách" cách nhận biết thịt lợn đội lốt thịt bò

Thứ sáu, 08/04/2016, 12:03 (GMT+7)

Thông tin phở, giò bò được phát hiện làm từ... thịt lợn đang khiến người tiêu dùng hoang mang nhưng để nhận diện được thịt bò và thịt giả bò không phải là không có cách.

Thông tin phở, giò bò được phát hiện làm từ... thịt lợn đang khiến người tiêu dùng hoang mang nhưng vẫn có cách để nhận diện được thịt bò và thịt giả bò trên thị trường hiện nay.

Mới đây, Viện Kiểm nghiệm VSATTP Quốc gia đã tiến hành lấy hàng loạt mẫu thịt bò tươi, thực phẩm của nguyên liệu từ thịt bò tại các cửa hàng quận, huyện của Hà Nội để kiểm tra. Sau khi phân tích mẫu, cơ quan chức năng phát hiện nhiều thịt lợn giả thịt bò; các sản phẩm làm từ thịt bò nhưng hàm lượng thịt bò vô cùng thấp hoặc hoàn toàn không có.

Kết quả giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm trên được công bố đã khiến người tiêu dùng hoang mang trước vô số những hệ lụy từ việc sử dụng các loại thịt được tẩm ướp bằng nhiều loại hóa chất để hô biến thành thịt bò. Vì theo phân tích của chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Hồng Điệp (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), các loại thịt trâu, lợn sề dùng để giả bò phần lớn là là trâu đã chết hoặc lợn được nuôi bằng thức ăn công nghiệp để chóng tăng cân. Thêm vào đó, việc tẩm ướp các loại hóa chất tạo mùi bò không rõ nguồn gốc càng làm tăng nguy cơ thực phẩm nhiễm độc, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Người tiêu dùng hoang mang trước kết quả kiểm tra các mẫu thịt bò. Ảnh minh họa

Theo chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, có thể phân biệt thịt bò "thật' với các loại thịt giả bò dựa vào thớ thịt, mùi và màu của miếng thịt. Cụ thể, thịt lợn giả thịt bò sẽ có thớ thịt to và ngắn, không mịn, phần mỡ trắng đục. Còn thịt trâu giả thịt bò sẽ có màu đen sậm, thớ thịt to, mỡ trắng. Cả hai loại thịt giả bò này đều có mùi tanh khó chịu chứ không hoi nồng như mùi đặc trưng của thịt bò. 

Ông Dương cho biết, thông thường, thịt giả bò có màu sắc không đều, không tự nhiên do bị tưới huyết bò hoặc được tẩm ướp hóa chất tạo màu. Khi miết tay vào miếng thịt, phẩm màu sẽ dính lên tay. Khi đem thái, phần thịt bên trong có màu nhạt hơn so với ở phía ngoài, thịt không dính vào dao và có nước rỉ ra.

Khi được hỏi về khả năng nhận diện thịt bò với các loại thịt khác giả bò, chị Nguyễn Thị Thủy (179 Vĩnh Hưng, Q. Hoàng Mai, HN) cho biết, thông thường, khi ra chợ, bằng mắt thường, chị khó có thể phân biệt các loại thịt này vì loại giả cũng có màu sắc và mùi giống như loại thật. Chỉ đến khi về nhà sơ chế thịt mới có thể phân biệt được hai hoại này dựa vào thói quen. Cụ thể, nếu là thịt giả bò, khi rửa qua nước, màu ở phía ngoài của miếng thịt nhạt đi một chút, để ý kỹ sẽ thấy nước có màu hơi đỏ. Khi đem thái, thịt không dính vào dao giống như thái thịt bò.

Còn chị Nguyễn Thị Hà Giang - chủ một quán bún bò trên địa bàn phường Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thịt giả bò được "chào hàng" tại một số cửa hàng chuyên về loại thực phẩm này có mức giá chỉ bằng 2/3 so với giá thị trường. Với các bà nội trợ thông thường, khi đi chợ rất dễ mua nhầm loại thịt này vì trông rất giống hàng thật, và giá lại còn rẻ hơn. Tuy nhiên, với những chủ quán chuyên về bò, vẫn có cách để có thể phân biệt hai loại thịt này ở trạng thái tươi.

"Nhìn vào miếng thịt bò tươi và miếng thịt giả bò, ngoài phân biệt dựa vào màu sắc, thớ thịt, có thể dùng tay và mũi kết hợp để kiểm tra. Nếu ấn ngón tay rồi sau đó nhấc tay ra, thịt dính theo tay và đàn hồi như cũ, cộng với việc ngửi qua miếng thịt có mùi hoi nồng đặc trưng thì đó là thịt bò. Còn nếu miếng thịt dính, có vết lõm, lại có mùi tanh khó chịu thì đó là thịt giả bò. Với những người bán hàng sành sỏi, việc phân biệt này không phải là quá khó. Còn việc họ lựa chọn loại nào thành nguyên liệu để "làm hàng" lại tùy vào nhiều nguyên do". - Chị Giang cho biết.

Trong 44 mẫu thịt bò tươi đem đi phân tích, kết quả có 35 mẫu là thịt bò thật, còn lại 8 mẫu là thịt lợn, 1 mẫu là thịt trâu.

Trong 10 cửa hàng chuyên phở bò được kiểm nghiệm, có 8 quán là phở bò, còn lại 2 quán là phở thịt lợn. 

Trong 12 mẫu nạm bò thì chỉ có 2 mẫu là thịt bò, còn có tới 10 mẫu là thịt lợn.

Trong số 20 mẫu giò bò được lấy tại chợ và siêu thị thì 9 mẫu hoàn toàn là thịt lợn, 8 mẫu hàm lượng bò thấp, chiếm 13%, 2 mẫu có lượng thịt bò chiếm 33% và 1 mẫu duy nhất đạt hàm lượng thịt bò 60%.

Trong 23 mẫu xúc xích bò tại chợ và một số mẫu có nhãn mác, được cấp phép đầy đủ thì có tới 8 mẫu không phát hiện có hàm lượng thịt bò, 15 mẫu còn lại hàm lượng thịt bò rất thấp.

Theo Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, do áp dụng phương pháp tách chiết ADN nên các kết quả phân tích nói trên là hoàn toàn chính xác.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news