"Việc kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài sản của Giang Kim Đạt ở nước ngoài, đặc biệt là Singapore là không khó", ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban Nội chính TƯ ngày 16/7, Phó trưởng Ban Phạm Anh Tuấn cho biết, Ban Nội chính T.Ư đánh giá rất cao cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) trong xử lý vụ Vinashin nói chung và vụ Giang Kim Đạt tham ô 18,6 triệu USD nói riêng.
"Nếu chúng ta không kiên trì, kiên quyết làm thì sao xã hội biết được rằng, một cán bộ rất ít tuổi thôi, cấp chỉ là Trưởng phòng, sống chìm như thế mà lại có thể dễ dàng tham nhũng, tham ô một khối tài sản quá lớn. Đây là điều không thể chấp nhận được. Nhưng tôi nghĩ đấy có lẽ chưa phải là duy nhất đâu", ông Tuấn nói.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương |
Cũng theo ông Tuấn, đây sẽ là tiền đề, là “phát súng” đột phá trong chuyện thu hồi tài sản tham nhũng.
"Tôi hy vọng đây là tiền đề, là “phát súng” đột phá trong chuyện thu hồi tài sản tham nhũng. Không phải chỉ trong phá án, tố tụng mà trong thanh tra cũng phải nghĩ chuyện thu hồi tài sản tham nhũng. Trong kiểm tra Đảng cũng phải nghĩ đến chuyện thu hồi tài sản tham nhũng. Có thể không chứng minh được hành vi tham nhũng theo luật pháp đầy đủ, vì hành vi ẩn, nhưng cái thiệt hại hay có dấu hiệu chiếm đoạt thì có thể chứng minh được, phải tìm mọi cách thu hồi về", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước câu hỏi "làm sao có thể thu hồi được tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt khi rất nhiều tài sản chuyển ra nước ngoài?", ông Tuấn cho biết, hiện nay số quốc gia tham gia Công ước về chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc là tương đối nhiều. Do đó, việc kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài sản của Giang Kim Đạt ở nước ngoài, đặc biệt là Singapore là không khó, chúng ta phải kiên quyết thu hồi.
Cũng từ vụ việc Giang Kim Đạt dư luận đặt vấn đề "cơ chế kiểm soát thu nhập, kiểm soát tài sản có nhiều kẽ hở?", ông Tuấn cho rằng, ở đây có hai góc độ cần phân tích.
"Thứ nhất, chúng ta phải xem lại cơ chế quản lý kinh tế xã hội, quản lý các doanh nghiệp như thế nào mà để cho một cán bộ chức vụ không cao, nhưng lại tham nhũng được một số lượng tài sản lớn như thế. Thứ hai, thì đúng là cơ chế kiểm soát thu nhập, công khai minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đang còn có những bất cập. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cái chính vẫn là cơ chế kiểm soát doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến cán bộ tham ô một cách dễ dàng số tiền lớn, có thể xóa đói giảm nghèo được cho biết bao nhiêu địa phương", ông Tuấn phân tích.
Về giải pháp để tham mưu, xây dựng các cơ chế nhằm bịt các lỗ hổng về cơ chế kiểm soát thu nhập, cũng như tăng hiệu quả trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, ông Tuấn cho biết, ban Nội chính Trung ương đang nghiên cứu để sao cho việc thu hồi TSTN được hiệu quả.
"Mục đích, động cơ của tội tham nhũng là nhằm chiếm đoạt tài sản. Chúng ta phải tìm mọi cách để thu hồi được tài sản về cho Nhà nước, cho xã hội. Nếu chỉ có đi chứng minh hành vi phạm tội mà không chú ý đúng mức thu hồi tài sản thì mục tiêu đấu tranh chống tham nhũng mới đạt một nửa", ông Tuấn nói.
Trước đó, như tin tức đã đưa, ngày 7/7, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng đã bắt được Giang Kim Đạt – đối tượng chính trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản; Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines).
Tại Cơ quan điều tra, Giang Kim Đạt đã khai nhận về hành vi phạm tội tham ô, chiếm đoạt số tiền lên tới gần 19 triệu USD. |
Quá trình truy bắt Đạt diễn ra ở nhiều nước sau đó dù gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, điều kiện tác nghiệp hạn chế ở nước ngoài. Đến ngày 07/07/2015, tức sau 1825 ngày đêm kiên trì biện pháp nghiệp vụ TCAN đã bắt giữ Giang Kim Đạt.
Tại Cơ quan điều tra, Giang Kim Đạt đã khai nhận về hành vi phạm tội tham ô, chiếm đoạt số tiền lên tới gần 19 triệu USD. Cơ quan tố tụng xác định, Giang Kim Đạt đồng phạm với Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Công ty Vận tải viễn dương Tập đoàn VINASHIN trong việc trực tiếp đàm phán mua tàu Cartour của Italia (tàu Hoa Sen) sai trình tự thủ tục, trái với chủ trương của Chính phủ...gây thiệt hại lớn cho Ngân sách Nhà nước.
Giang Kim Đạt sinh năm 1977, quê ở Thái Thượng, Thái Thụy, Thái Bình, có hộ khẩu tại phường Bình An, quận 2, Tp. HCM. Đạt nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh của Công Vinashinlines. CQĐT xác định, Giang Kim Đạt có hành vi cố ý làm trái và “rút ruột” trong vụ mua tàu Hoa Sen. Trước khi vụ án được khởi tố, Giang Kim Đạt đã nhanh chân lẩn trốn ra nước ngoài...
Ngày 23/8/2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt, đồng thời ra quyết định truy nã và ngày 8/11/2010 gửi thông báo truy nã đến Interpol.
Quá trình truy bắt, Tổng cục An ninh (TCAN) chỉ đạo Cục An ninh kinh tế tổng hợp phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Interpol áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ truy tìm Đạt nhưng không có kết quả. Giang Kim Đạt đã sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, không để lại bất cứ chứng cứ nào.
Theo xác minh của Cục An ninh kinh tế tổng hợp, gia đình Đạt có tới 40 nhà biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai vị trí “vàng” trên khắp cả nước cùng nhiều ôtô đắt tiền. Khối tài sản lớn đứng tên gia đình Đạt đều hình thành từ sau thời điểm đối tượng làm việc tại Vinashinlines, đảm nhận cương vị trưởng phòng kinh doanh.
Từ manh mối này, TCAN tiếp tục phát hiện nhiều giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của ông Giang Văn Hiển (bố của Đạt) tại các ngân hàng trong và ngoài nước. Quá trình xác minh này đã làm rõ số tiền trong tài khoản của ông Hiển liên quan đến các hợp đồng mua bán tàu và khai thác tàu cũ của công ty Vinashinlines.
H.Minh (tổng hợp)