Ngày 15/10, trang mạng Tin tức của Nga đưa tin, tỷ giá đồng Rúp giảm mạnh, khắp nơi trên đất nước Nga đã khiến càng ngày càng nhiều phụ nữ trẻ, do cuộc sống ép buộc, đã phải lựa chọn nghề mang bầu thuê để kiếm sống.
Theo thống kê của ngành mô giới và phòng khám chuyên hoạt động trong lĩnh vực đẻ thuê, thì con số các phụ nữ lao vào công việc này đã tăng 50%.
Các nhà xã hội học phân tích, số lượng phụ nữ Nga đẻ thuê tăng cao chủ yếu là do kinh tế Nga đang lâm vào khủng hoảng. Những phụ nữ trẻ mất việc hy vọng dựa vào phương thức kiếm tiền này để nuôi sống bản thân. Cùng với đó là nhu cầu từ bên ngoài cũng tăng cao. Theo tỷ giá hối đoái hiện nay, tìm người đẻ thuê ở Nga sẽ rẻ hơn nhiều so với ở các quốc gia khác.
Được biết, ở Nga, một lần đẻ thuê có giá từ 800 nghìn rúp (khoảng 283 triệu đồng) đến 1 triệu rúp (khoảng 354 triệu đồng).
Đẻ thuê đang trở nên phổ biến ở Nga. Ảnh minh họa: Internet |
Pháp luật Nga quy định, độ tuổi có thể đẻ thuê là từ 20 đến 34 tuổi và đã từng sinh ra ít nhất một đứa trẻ khỏe mạnh.
Ở Kaliningrad và St. Petersburg đều có các công ty “đẻ thuê” . Từ đầu năm trở lại đây, có rất nhiều phụ nữ trẻ ở Nga tình nguyện đẻ thuê. Đồng thời, các đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng tăng cao, chủ yếu từ Đức.
Cô Natalia Nadia Petrova đến từ Yekaterinburg tâm sự, lựa chọn đẻ thuê là việc làm bất đắc dĩ. Cô nói: “Đây là một quyết định vô cùng khó khăn Tôi đã suy nghĩ hơn nửa năm nay rồi. Hiện tại, một mình tôi nuôi con gái 6 tuổi. Tôi đã từng làm giáo viên mầm non nhưng không thể vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế. Sau khi mất đi nguồn thu nhập và cho đến khi chưa tìm được công việc mới, bố của con gái tôi từ chối trả phí nuôi dưỡng con bé. Bên cạnh đó, tôi còn phải trả tiền thuê phòng. Nếu đi đẻ thuê, thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều so với các công việc khác. Tôi đã hỏi kinh nghiệm của những bà mẹ đẻ thuê khác, hơn nữa, chúng tôi còn có pháp luật bảo vệ. Về cơ bản mà nói thì công việc này cũng khá an toàn. Tuy nhiên, nó cũng khá phức tạp bởi không chỉ mang bầu hơn 9 tháng, mà trước đó còn phải thực hiện cấy tinh trùng, và không phải chỉ cần một lần là thành công”.
Cô còn cho biết, hiện nay, đã có một vài đôi vợ chồng ở Petersburg và Moscow tìm đến cô. Nhưng do đúng lúc này cô bị bệnh nên đã từ chối. “Tôi không muốn lừa người khác. Quan trọng không phải chỉ có tiền mà còn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với vợ chồng bên ký kết hợp đồng”, cô nói.
Theo thống kê, ở Nga năm 2013 đã có đến 800 trường hợp kinh doanh đẻ thuê.
“Luật bảo vệ sức khỏe công dân Liên Bang Nga” và “Luật gia đình Liên Bang Nga” quy định rất nghiêm khắc về vấn đề đẻ thuê. Nếu bên phía nữ có giấy xác nhận mang bệnh không thể sinh con được, sẽ có quyền tìm đến dịch vụ đẻ thuê mang tính chất thương mại. Bên gia đình nhờ đẻ thuê khi đăng ký cho đứa bé mới sinh là con của mình thì phải được sự đồng ý của người mang thai hộ. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký sinh, người đẻ thuê không thể tước đoạt những quyền mà đứa bé được hưởng.
Theo chuyên gia xã hội học, ngành đẻ thuê phát triển ở Nga là hợp lý bởi vì tại Nga, tỷ lệ vô sinh rất cao. Sau khi Liên Bang Xô Viết giải thể vào những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế Nga trượt dốc, tình hình sức khỏe người dân cũng đi xuống, mọi người bận rộn kiếm tiền nuôi sống gia đình, không để ý đến sức khỏe bản thân. Điều này đã ảnh hưởng tới khả năng sinh con .
Hiện nay, Nga có gần 42 triệu đôi vợ chồng, trong đó có tới 47% đôi vợ chồng không có con cái, mà có gần 15% trong số đó là do vô sinh.
Đối với đại bộ phận phụ nữ đẻ thuê, họ cũng phải suy nghĩ rất nhiều. Họ phải chuẩn bị tâm lý giao đứa con cho bố mẹ của nó.
Năm 2014, Chủ tịch Ủy ban gia đình, phụ nữ và nhi đồng ở Nga đã từng đề xuất cấm ngành đẻ thuê ở Nga và đã soạn thảo quy định có liên quan, quy định chỉ có thể người thân của hai bên đôi vợ chồng không thể sinh con có thể mang thai bộ, và phải trình bản chứng nhận quan hệ thân thích.
Ở Anh cũng có quy định tương tự như vậy. Năm 2014, một phụ nữ 46 tuổi ở Anh làm người mang thai hộ cho chính người con trai đồng tính của mình, sinh ra một bé trai. Bào thai này hình thành từ tinh trùng của con trai cô và trứng của người khác hiến tặng. Đến nay, cô vừa là bà nội lại vừa là mẹ của đứa bé.
Có rất nhiều quốc gia cấm đẻ thuê, đơn cử như Thái Lan. Nước này quy định, bố mẹ thân sinh, người mang thai hộ, nhân viên y tế thậm chí người môi giới đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể bị phạt dưới 10 năm tù, kèm theo số tiền phạt có thể lên tới 350 nghìn rúp.
Theo nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford cho thấy, bất luận áp dụng phương thức nào thì đứa bé sinh ra sẽ nhận một phần gen di truyền từ người mẹ.
Anh Khôi (theo ifeng)