Kết thúc một năm học, nhiều phụ huynh háo hức khoe thành tích học tập của con mình sau một năm rèn luyện nhưng những tấm giấy khen đó liệu có phản ánh đúng lực học của các em và các chuyên gia nghĩ gì đằng sau những tấm giấy khen ngày càng dày lên theo mỗi năm?
Lí giải vì sao nhiều học sinh được nhận giấy khen như vậy, trả lời phỏng vấn trên Dân việt, ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, lời khen quan trọng đối với trẻ em, nhất là khen đúng. Điều này sẽ tạo động lực cho các em có sự cố gắng, phấn đấu trong học tập.
Lời khen tốt không chỉ khích lệ kịp thời mà còn chỉ ra được những yếu kém của các em.
"Nếu 100% học sinh trong lớp khá giỏi thì bất thường quá", PGS Văn Như Cương |
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, có nhiều học sinh giỏi là điều đáng mừng, nếu phản ánh đúng kết quả học tập.
Nhưng trong xã hội của chúng ta, không chỉ riêng giáo dục, mà mọi ngành, mọi cấp đều có các mức giỏi, khá, trung bình,… Đó là một quy luật, chứ không thể nhiều đột biến học sinh giỏi như hiện nay.
“Tôi nghi ngờ về điều đó và kết quả này không phản ánh được đúng thực tế của nó. Học sinh giỏi nhiều như vậy có phải chăng ngành giáo dục của nước ta xuất sắc?”, nguyên Thứ trưởng băn khoăn.
Theo ông Nhĩ, nếu tình trạng này kéo dài, ngành giáo dục sẽ suy thoái, bởi vì tất cả các học sinh đâu cần phải phấn đấu. Càng ngày càng giỏi, càng tốt thì đâu mới là người giỏi, người tài thực chất để mà phục vụ đất nước.
Xã hội không phải cái gì cũng tốt, nên cần phải xem xét lại phương pháp dạy học như thế nào mà có kết quả không chính xác như vậy.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường THPT trường trung học Lương Thế Vinh (Hà Nội), trung bình ở trong lớp học, có 10% học sinh giỏi, 20-30% học sinh khá đã là tốt lắm rồi. Nếu 100% học sinh trong lớp khá giỏi thì bất thường quá.
Nguy hiểm nhất là không đánh giá được khả năng, chất lượng học sinh. Nếu cứ khá giỏi hết, học sinh không cần học cũng điểm 10 hết, các em sẽ mất động lực, không phấn đấu học tập.
Phó Giáo sư cũng cho rằng, “đáng lo ngại” khi tỷ lệ học sinh giỏi quá nhiều. Các nền giáo dục tiên tiến coi chuyện khá, giỏi hay trung bình, đạt yêu cầu là chuyện rất bình thường, không phải tranh nhau để đứng đầu.
Không chỉ các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo có kinh nghiệm lấu năm trong nghề tỏ ra hoài nghi vì tỉ lệ học sinh giỏi gia tăng đột biến, ngay cả những giáo viên hàng ngày giảng dạy cũng băn khoăn về những tấm giấy khen của học sinh.
Một giáo viên THCS gần 25 năm kinh nghiệm, dạy ở nhiều quận của TP.HCM khẳng định: “Ảo rất nhiều. Cũng có HS giỏi nhưng nếu để giáo viên cho điểm thẳng tay, đánh giá đúng thì không bao giờ nhiều như vậy”.
Một giáo viên dạy môn ngữ văn tại Q.3 (TP HCM) chia sẻ: “Tỷ lệ HS khá giỏi trong mấy năm gần đây tăng nhiều nhưng không phản ánh đúng lực học thực sự của HS. Do việc xét tốt nghiệp bậc THCS thông qua học lực 4 năm học nên hầu hết đánh giá của giáo viên nghiêng về hướng có lợi cho HS trường mình”.
Nguyên hiệu trưởng một trường THCS có tiếng tại Q.Tân Bình (TP HCM) cũng nhìn nhận từ trước đến giờ việc đánh giá HS giỏi chưa thật sát sao. Tỷ lệ cao như vậy có thể là do trong quá trình giảng dạy, có sự định hướng, tập trung vào một số câu hỏi trước các bài kiểm tra định kỳ. Ngoài ra, việc thi đua thành tích giữa các lớp, các trường cũng yêu cầu tiêu chí HS giỏi. Cũng không thể loại trừ việc giáo viên nương tay, ưu ái cho điểm cao với HS học thêm...
Chính vị hiệu trưởng này đã từng không tin tưởng vào tỷ lệ HS giỏi nên trong thời gian làm quản lý đã làm phép thử khi so sánh tỷ lệ HS giỏi với kết quả các kỳ thi tuyển sinh. Kết quả là có rất nhiều HS xếp loại giỏi nhưng điểm trong các kỳ thi tuyển không đạt mức mà lẽ ra một HS giỏi phải có được. “Cuối cùng tôi cho rằng tỷ lệ HS giỏi đã không đúng thực chất”, vị này nhấn mạnh.
Lê Vy (tổng hợp)