Tin mới

Gian nan tuyển sinh lớp 6 vì...quá nhiều học sinh giỏi

Thứ hai, 15/06/2015, 16:59 (GMT+7)

Với tỷ lệ trên 90\% học sinh bậc tiểu học đạt giỏi, xuất sắc, những tưởng đó là thành tích đáng khích lệ của ngành giáo dục. Thế nhưng, đến hôm nay thành tích ấy đang trở thành nỗi ngán ngẩm của các trường Trung học cơ sở, cụ thể là của chính những người làm công tác tuyển sinh vào lớp 6.

 

Với tỷ lệ trên 90% học sinh bậc tiểu học đạt giỏi, xuất sắc, những tưởng đó là thành tích đáng khích lệ của ngành giáo dục. Thế nhưng, đến hôm nay thành tích ấy đang trở thành nỗi ngán ngẩm của các trường Trung học cơ sở, cụ thể là của chính những người làm công tác tuyển sinh vào lớp 6.

Cụ thể, tại trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), lãnh đạo nhà trường đã thực sự bối rối vì chỉ tuyển 600 chỉ tiêu nhưng có hơn 1.000 hồ sơ trong số 4.000 suất đăng ký xét tuyển vào lớp 6 đạt 100/100 điểm (tính 2 môn Toán-Văn trong 5 năm tiểu học).

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Tôi không thấy mừng vì kết quả đó mà ngược lại thấy lo lắng vì không đảm bảo được công bằng trong quá trình tuyển sinh nếu chỉ nhìn vào học bạ như vậy. Kết quả ấy nếu chỉ để xét tốt nghiệp hoặc hoàn thành một cấp học thì không có vấn đề gì nhưng để xét tuyển lên cấp học trên thì tôi không thể yên tâm được”.

Qua nhiều học sinh giỏi gây khó khăn cho việc tuyển sinh vào lớp 6. Ảnh minh họa

Ông Cương phân tích: nếu lấy kết quả ấy để xét tuyển thì tất cả các trường đều phải làm chung một đề thi với một cách thức tổ chức giống nhau. Đằng này mỗi trường tiểu học lại ra đề kiểm tra học kì khác nhau. “Tôi đã xem thử một đề kiểm tra cuối năm của một trường mà thấy lo lắng vì yêu cầu trong đề thì học sinh chỉ cần học thuộc là đạt điểm 10. Điểm 10 ấy chẳng nói lên gì cả”, ông Cương nói.

Trả lời câu hỏi về việc trong trường hợp hàng nghìn hồ sơ giống hệt nhau như vậy thì giải pháp để xét tuyển cho đúng chỉ tiêu là gì, PGS Văn Như Cương cho biết: “Tôi đang làm công văn gửi Sở GD-ĐT cho phép trường được thực hiện phương thức phỏng vấn thêm học sinh như dự kiến ban đầu. Mặc dù cách thức này trước đó không được Sở GD-ĐT đồng ý nhưng tôi thấy cùng trên địa bàn thành phố, Trường Phổ thông Nguyễn Tất Thành vẫn áp dụng cách thức này thì không có lí gì trường tôi là một trường ngoài công lập lại không được thực hiện”.

Nói về tình trạng có quá nhiều học sinh giỏi trong những năm gần đây, GS. Đào Trọng Thi cho biết trên VOV: "Chúng ta chuyển từ hình thức đánh giá học sinh theo điểm số sang đánh giá bằng nhận xét. Theo lý thuyết thì đánh giá bằng nhận xét có thể xác đáng, chính xác hơn; phù hợp hơn với năng lực, trình độ của học sinh. Thế nhưng, việc có quá nhiều học sinh giỏi, không có sự phân biệt giữa các em thì chắc chắn là hệ thống đánh giá chưa tốt. Mà chưa tốt tôi nghĩ cũng không có gì khó hiểu, vì chúng ta chuyển sang một hệ thống đánh giá hoàn toàn mới, không quen thuộc, không thông thường đối với giáo viên. Cũng phải nói là chúng ta chuẩn bị không tốt khi chuyển sang kiểu đánh giá mới. Đáng ra phải chuẩn bị rất kỹ, thậm chí phải thí điểm, phải xem như thế nào rồi đúc rút kinh nghiệm sau đó mới phổ biến rộng rãi. Như thế sẽ không xảy ra tình trạng này".

Việc có quá nhiều học sinh giỏi dẫn đến việc tuyển sinh đầu cấp trở nên khó khăn hơn, có khi làm mất cơ hội của nhiều em khác nếu như việc đánh giá trước đây không chính xác. Mà theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và để tránh từ “thi”, nhiều trường năm nay chỉ xét tuyển hồ sơ, thậm chí, nhiều trường vẫn chọn tiêu chí đầu tiên là học sinh giỏi.Tưởng rằng đây là cách làm an toàn, thuận lòng cha mẹ và dễ cho các trường, nhưng tình huống “khóc dở, mếu dở” đã xảy ra. Chỉ riêng số lượng học sinh giỏi đã vượt số chỉ tiêu cần tuyển của một số trường trong khi đó "lứa tuổi học sinh vào lớp 6 là tuổi phổ cập, phải đảm bảo chỗ học cho tất cả các em ở trong lứa tuổi này". GS Đào Trọng Thi nhận định.

Lê Vy (tổng hợp)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news