Tin mới

“Quan chức kiêm dân biểu” từ góc độ luật sư

Thứ ba, 14/10/2014, 11:05 (GMT+7)

Theo PGS.TS, Luật sư Phạm Duy Nghĩa, ĐBQH sẽ rất khó có nhận được sự giải trình thỏa đáng vì bộ máy Quốc hội hiện nay còn tồn tại nhiều chồng chéo.>> Đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý sửa đổi Hiến pháp>> Đại biểu Quốc hội: “Tôi sống chủ yếu nhờ dạy thêm”

 

 

 

Theo PGS.TS, Luật sư Phạm Duy Nghĩa, ĐBQH sẽ rất khó có nhận được sự giải trình thỏa đáng vì bộ máy Quốc hội hiện nay còn tồn tại nhiều chồng chéo.

Tại phiên họp toàn thể lần 9 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan yêu cầu phải làm rõ những bất cập trong đấu thầu thuốc hiện nay. Tuy nhiên, thay vì được Bộ Y tế giải trình, Đại biểu này lại bị Bộ Y tế yêu cầu giải trình ngược lại.

Nêu ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, theo quy định của pháp luật về QH và ĐBQH, khi bà Phạm Khánh Phong Lan đã đặt câu hỏi và nêu vấn đề với tư cách là ĐBQH thì Bộ Y tế phải có trách nhiệm giải trình những chất vấn và câu hỏi của bà Lan nêu ra. Tuy bà Lan là phó giám đốc Sở Y tế, về mặt hành chính là cấp dưới của UBND TP và của Bộ Y tế nhưng trong trường hợp này bà Lan đã nói rõ là bà thực thi quyền của ĐBQH thì Bộ Y tế phải đáp ứng yêu cầu của bà Lan.

Do đó, việc Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP giải trình liên quan đến những phát biểu của bà Lan là không phù hợp.

Đồng quan điểm với ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, ông Hà Minh Sơn – Phó Ban Công tác các ĐB thuộc UBTVQH cho rằng, trong trường hợp nếu thấy ĐB phát biểu chưa đúng thì Bộ Y tế có thể phản ánh với QH hoặc cơ quan quản lý để xem xét, làm rõ. Chứ Bộ Y tế không có quyền yêu cầu ĐB phải giải trình về nội dung phát biểu. Thực tế, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khi phát biểu tại Ủy ban Các vấn đề xã hội với tư cách là ĐBQH chứ không phải là cán bộ ngành y.

Thay vì được Bộ Y tế giải trình, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lại bị Bộ Y tế yêu cầu giải trình ngược lại

Còn PGS.TS, chuyên gia Luật Phạm Duy Nghĩa cho rằng, thực chất, đây là sự “lẫn vai” giữa vị trí Đại biểu Quốc hội và quan chức trong bộ máy công quyền hiện nay.

Theo Luật sư Nghĩa, trước đó, đã từng có rất nhiều cuộc chất vấn trong bối cảnh “lẫn vai” khác nhưng mọi việc dần rơi vào quên lãng vì bản chất của vấn đề không thể thay đổi do những bất cập, chồng chéo trong bộ máy Quốc hội hiện hành.

Luật sư Nghĩa lý giải, hiện  ¾ ĐBQH làm việc trong bộ máy chính quyền. Vậy nên, muốn giải quyết được bài toán “lẫn vai” này là điều không dễ dàng. Quốc hội có Đại biểu chuyên trách từ hàng chục năm nay (số lượng Đại biểu chuyên trách chiếm 25%  tổng số ĐBQH). Do đó, khó có thể giải quyết những mâu thuẫn này mà chỉ có thể làm giảm “độ căng thẳng” bằng cách tăng dần số lượng Đại biểu chuyên trách (từ 25 lên 35 đại biểu).

 

Hiện nay, Quốc hội họp 2 lần/năm. Các đại biểu đã tiếp xúc với cử tri nhiều hơn cũng như làm việc tại địa phương nhiều hơn. Và nếu muốn thực hiện cải cách tốt hơn nữa thì Quốc hội phải có những bước đi căn bản hơn. Tuy nhiên, trong Luật Quốc hội năm 2013 vẫn chưa đề cập đến vấn đề này.

 

“Điều khó nhất hiện nay là Quốc hội hoạt động không chuyên nghiệp. Thể hiện ở chỗ: Chủ tịch tỉnh hay Bộ trưởng là ĐBQH; và hầu hết thành viên Chính phủ cũng là ĐBQH”- Luật sư Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh

Và theo ông, đối với trường hợp của bà Phong Lan, khi có chất vấn của ĐBQH, theo quy trình, Bộ sẽ “gây sức ép” đối với UBND thành phố; UBND thành phố sẽ tiếp tục “gây sức ép” lên Sở. Lúc đó, câu hỏi được đặt ra đối với bà Phong Lan là bà đại diện cho tổ chức nào. Điều đó vô tình gây khó cho Đại biểu này.

“Bà Lan cho biết, bà chưa thấy thỏa đáng đối với giải trình của Bộ Y tế. Nhưng tôi tin sẽ khó để có thể có được sự thỏa đáng trong những trường hợp như thế này” - PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho hay.

Tại phiên họp toàn thể lần 9 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra từ ngày 25 đến 27/9 ở Hà Nội, PGĐ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh  Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, Bộ Y tế mới là cơ quan cần phải giải trình bởi với tư cách Đại biểu Quốc hội, và bà có quyền thay mặt người dân chất vấn Bộ. Tuy nhiên, trong công văn gửi UBND thành phố, Bộ Y tế không có từ nào nhắc đến bà với tư cách ĐBQH mà chỉ với tư cách là PGĐ Sở Y tế.

Theoo Vũ Đậu tổng hợp (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news