Sau 10 ngày tìm kiếm, số lượng các hầm mộ tập thể với hơn 300 bộ hài cốt đã được tìm thấy tại gia đình ông Dương Văn Phong (46 tuổi, trú phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình).
Sau hơn 10 ngày tìm kiếm, đã phát hiện 9 hầm mộ với hơn 300 bộ hài cốt tại gia đình ông Phong. Ảnh: báo Dân trí. |
Liên quan đến việc một gia đình tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình phát hiện các hầm mộ tập thể với nhiều bộ hài cốt, sau 10 ngày tìm kiếm, ngày 29/5, gia đình ông Dương Văn Phong (46 tuổi, trú phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) phối hợp với UBND phường Quảng Thuận đã tổ chức an táng hơn 300 bộ hài cốt vừa phát hiện về nghĩa trang phường Quảng Thuận theo phong tục địa phương.
Trên Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Phong cho biết, riêng ngày 28/5, gia đình đã cho đào thêm 4 hầm mộ, cất bốc được hơn 130 bộ hài cốt dưới phần đất gia đình đang ở. Phần lớn những bộ hài cốt mới phát hiện đều trơ lại các các mảnh xương đã phân hủy nặng, dài 5 -10 cm.
Lực lượng nhân công còn phát hiện một số di vật tại các hầm mộ như các hũ sành, có từ nhiều năm trước. Cộng với số hài cốt tìm thấy trước đó, gia đình ông Phong đã phát hiện tổng cộng hơn 300 hài cốt trong 9 hầm mộ tập thể.
Theo thông tin trên báo Dân trí, nhằm xác định rõ thời gian an táng của các bộ hài cốt để biết về lịch sử, văn hóa địa phương, gia đình ông Phong đã lấy mẫu xương gửi tới Trung tâm Giám định Sinh học Pháp y - Viện Khoa học Hình sự của Bộ Công an để xét nghiệm ADN.
Thông tin bước đầu cho biết, mẫu xương đã phân hủy cách đây hơn 150 năm nên không thể tiến hành các xét nghiệm cần thiết.
Ông Trần Vũ Khiêm - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết đã nắm thông tin qua báo chí. Các hầm mộ tập thể không có dấu tích gì thể hiện đây là mộ cổ hay mộ liệt sĩ nên chưa có căn cứ để khẳng định.
Về phía UBND thị xã Ba Đồn, ông Phạm Quang Long, Chủ tịch UBND thị xã đã yêu cầu chính quyền địa phương báo cáo cụ thể để có phương án xử lý phù hợp.
Theo các cụ cao niên trong địa phương kể lại, vùng đất xóm 4, xã Minh Lợi trước đây là nơi an táng các nghĩa quân chống Pháp từ những năm 1858. Khi Kinh đô Huế thất thủ, chiến tranh lan đến Quảng Bình và tại đây dấy lên phong trào Cần Vương chống Pháp với nhiều nghĩa quân được chiêu mộ. Trong quá trình quân Pháp tiến hành càn quét, đánh phá đến tận các sơn phòng, có thể anh em nghĩa sỹ bị chém giết nên đưa về an táng tập thể tại vùng đất này, bởi đây là vùng đồi cát cao ráo.
Hiện tại gia đình ông Phong đã tạm dừng công việc tìm kiếm và cho biết sẽ triển khai trở lại trong thời gian tới.
Đức Hòa (tổng hợp)