Mới đây, các bác sĩ tại Quảng Ninh phẫu thuật cứu sống một trường hợp trẻ nhỏ nhập viện do trong lúc sinh hoạt, vô í nuốt phải đinh sắt.
Ngày 13/6/2018, Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bé trai 9 tuổi (thường trú Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Sau nuốt phải đinh sắt, bệnh nhi không hề có cảm giác, không đau bụng, không sốt, không nôn, chưa đại tiện, chưa điều trị gì được gia đình cho nhập viện kiểm tra.
Kết quả chụp X-quang cho thấy hình ảnh dị vật cản quang trong lòng tá tràng vị trí ngang L1-L2. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị dị vật đường tiêu hóa và chỉ định phẫu thuật mở tá tràng lấy dị vật cho trẻ.
Hình ảnh dị vật cản quang trong lòng tá tràng vị trí ngang L1-L2.
Do di vật kim khí nằm ở phần tá tràng giữa khúc II và khúc III, phía sau phúc mạc nên việc lấy dị vật sắc nhọn tương đối khó khăn. Sau khi định hướng được dị vật, phẫu thuật viên đã tiến hành mở tá tràng lấy dị vật.
Kiểm tra không có tổn thương ruột, tiến hành khâu lại tá tràng lại cho bé. Sau ca mổ, bé tiếp tục được theo dõi tại Khoa Gây mê hồi tỉnh bệnh viện.
Qua trường hợp trên, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến các bé, luôn quan sát, hạn chế để trẻ chơi một mình và tiếp xúc các đồ vật dễ nuốt. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, kiểm soát các vật dụng bé chơi, tránh trường hợp đáng tiếc lại xảy ra.
Hóc dị vật là tai nạn khá thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trong dịp nghỉ hè như hiện nay. Tại BV Nhi Trung ương, các bác sĩ cũng đã cấp cứu cho nhiều trẻ "nuốt" phải đầu bút bi, đinh vít, đinh ghim sắt...
Theo TS.BS Lê Thanh Chương - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương: "Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca... Dị vật thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo, bi sắt, đồ ăn. Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, đinh ghim… đe dọa gây thủng thực quản gây nguy hiểm đến tính mạng".
Sau ca mổ, bé tiếp tục được theo dõi tại Khoa Gây mê hồi tỉnh bệnh viện.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh, mọi lứa tuổi đều có thể bị dị vật đường thở, hay gặp nhất là trẻ dưới 4 tuổi. Khi bị sặc, hóc dị vật, nếu để lâu có thể dẫn đến tình trạng ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc áp xe quanh dị vật.
Nguy hiểm hơn, khi bị sặc, dị vật chui vào đường thở, có thể bịt đường thở, gây suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.
Do vậy, trong trường hợp bị sặc, nhất là đối với trẻ nhỏ, nếu có biểu hiện tím tái, khó thở thì phải tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ bằng thủ thuật dùng tay ép chặt vào bụng nhằm tạo một áp lực mạnh trong đường dẫn khí để đẩy dị vật ra khỏi đường hô hấp trên. Sau đó, phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị kịp thời.
Như Loan