Sự nhầm lẫn của học sinh khi cho rằng Quang Trung - Nguyễn Huệ là anh em được chương trình Chuyển động 24h đưa tin trước đó đã cảnh báo tình trạng đáng lo lắng về sự hiểu biết kiến thức môn Lịch sử của học sinh hiện nay. GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có những chia sẻ vì sao trẻ lại thiếu thông tin về lịch sử như vậy.
Trên báo Vietnamnet, GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Bảo lỗi này do học sinh, do giáo viên, hay do cách dạy đều đúng như chưa đủ. Lâu nay chúng ta vẫn cứ loanh quanh với mấy nguyên nhân này rồi nhưng dường như mọi chuyện còn trầm trọng hơn trước.
Vì sao học sinh không hứng thú khi học lịch sử? |
Theo ông Giang: “Quan niệm hiện nay không đúng từ rất nhiều phía, khi cho rằng lịch sử chỉ là một môn học, mà quên đi nó còn là thứ để dung dưỡng tâm hồn, lòng yêu quê hương đất nước. Nếu nhìn nhận như vậy, thái độ của chúng ta đối với môn lịch sử sẽ khác chứ không phải như chúng ta đang làm hiện nay. Đây là lỗi của nhà quản lý.
Nếu không cẩn thận, việc đưa các sự kiện, con số, ngày tháng vào chương trình dạy học lại thành ra mớ kiến thức cực kỳ khó nhớ. Dạy học theo phương pháp tiếp cận nội dung như hiện nay là một cách bắt học sinh phải nhớ những thứ khó nhớ đó, làm khô cứng một thứ lẽ ra rất sinh động. Đây là lỗi của chương trình” – ông Giang phân tích.
“Trong trường học, giáo viên dạy quá nhiều, nhận định có tính áp đặt, hoặc để truyền tải một sự kiện lịch sử, giáo viên đưa quá nhiều thông tin khiến học sinh “sợ hãi”, không thể nhớ nổi, hoặc chính các em sẽ có những suy nghĩ phản kháng “tại sao lại phải chắc chắn là như thế?”, đâm ra chán học sử.
Đó là những nguyên nhân, theo ông Giang, đã khiến học sinh không còn hứng thú với lịch sử.
Trước đó, trong chuyên mục Tiêu điểm của chương trình Chuyển động 24h trưa ngày 11/7, phóng viên đã hỏi một số học sinh ở độ tuổi học tiểu học, THCS trên hai tuyến phố Tây Sơn và Phạm Tiến Đông ở Thủ đô Hà Nội những câu hỏi đơn giản về vị vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số những học sinh được hỏi trả lời đúng câu hỏi phóng viên đưa ra.
Câu đầu tiên phóng viên hỏi hai bạn nữ đang đi ở đoạn đường trước mặt khu di tích Gò Đống Đa là "bạn có biết gần đây có di tích lịch sử nào gắn liền với vị vua Quang Trung không?" và một nữ sinh đã thản nhiên nói: "em không biết".
Phóng viên hỏi tiếp "Bạn có biết ông vua Quang Trung và ông Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?", bạn nữ này đã ngại ngùng trả lời "em không" rồi nói vu vơ "anh em ạ".
Câu "vua Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?" cũng được phóng viên hỏi 5 học sinh khác và cũng chỉ có 2 học sinh trả lời đúng còn các em còn lại có câu trả lời: "họ là bố con; anh em một nhà; bạn thân chiến đấu cùng nhau. Thậm chí có em còn nói rằng: "Quang Trung là nhà vua còn là nhà thơ nữa. Con đang học trường của ông ấy. Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung".
Vì sao lại xảy ra tình trạng trên? Tại sao môn Lịch sử lại kém hấp dẫn học sinh đến vậy? đã được các nhà giáo dục, sử học "mổ xẻ", phân tích khá nhiều. Trong đó, nguyên nhân được đề cập đến nhiều nhất là do chương trình học trong sách giáo khoa quá nhiều lại cứng nhắc. Bên cạnh đó, một số giáo viên chủ yếu dạy theo sách giáo khoa và chưa có phương pháp giảng dậy hấp dẫn, tạo sức hút với học sinh.
Lê Vy (Tổng hợp)