Tin mới

Quốc hội ban hành Nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng từ 1/1/2019

Thứ tư, 24/10/2018, 09:48 (GMT+7)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng dầu và các mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến môi trường sẽ được điều chỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng dầu và các mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến môi trường sẽ được điều chỉnh.

Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít.

Ngoài ra, nghị quyết cũng điều chỉnh mức thuế đối với nhiều mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến môi trường như than đá, túi nylon thuộc diện chịu thuế, dung dịch HCFC...

Thuế bảo vệ môi trường với than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn. Với than nâu, than mỡ, than đá khác, mức thuế tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn.

Theo nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng tăng lên 4.000 đồng/lít, với dầu diesel tăng lên 2.000 đồng/lít....từ 1/1/2019. Ảnh minh họa

Đối với dung dịch HCFC, thuế tăng từ 4.000 đồng/kg lên mức 5.000 đồng/kg; đối với túi nylon thuộc diện chịu thuế tăng từ 40.000 đồng/kg lên mức 50.000 đồng/kg.

Tại Báo cáo thẩm tra bổ sung Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường chiều 20/9, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết nếu điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thì một năm thu được khoảng 15.189 tỷ đồng giúp cho đầu tư để xử lý vấn đề môi trường.

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019 được cho là sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố đánh giá, lạm phát năm 2018 có thể kiểm soát dưới 4%, nếu không có cú sốc lớn về giá năng lượng trong quý IV.

Giá xăng dầu nếu tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng tới giá cả hàng hoá cuối năm và lan sang cả năm sau. "Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây", ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR nhận xét. 

Quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thêm 1.000 đồng mỗi lít từ 1/1/2019, theo Viện trưởng VEPR, có thể làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong một năm tới. 

Trước đó, theo báo cáo đánh giá tác động về tăng thuế môi trường với xăng, dầu được Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tăng sắc thuế này sẽ chỉ khiến lạm phát 2019 tăng 0,07 - 0,09%.

 Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, xăng dầu là một mặt hàng vật tư chiến lược với nền kinh tế, ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng, an ninh quốc phòng... nên tăng thuế sẽ tác động không nhỏ đến chi phí đầu vào mọi ngành. Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, thu nhập của người Việt chỉ ở mức trung bình thấp thì điều này càng bất hợp lý.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news