Luật Công an nhân dân (sửa đổi) quy định cấp hàm cao nhất đối với Giám đốc công an là Thiếu tướng nhưng số lượng không quá 11.
Sáng 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Công an nhân dân (sửa đổi) với 85,77% tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành.
Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, Chính sách đối với Công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo điều 25, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan là: Đại tướng với Bộ trưởng Công an; Thượng tướng với Thứ trưởng, số lượng không quá 6; Trung tướng, số lượng không quá 35 và Thiếu tướng, không quá 157. Đây là điểm mới so với Luật hiện hành, vì đạo luật thông qua trước đây không quy định cứng số lượng Trung tướng và Thiếu tướng.
Theo điều 29 Luật Công an nhân dân (sửa đổi), căn cứ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, cấp có thẩm quyền quyết định biệt phái sĩ quan đến công tác tại cơ quan, tổ chức ngoài lực lượng theo quy định của pháp luật.
Sĩ quan biệt phái được hưởng chế độ, chính sách như sĩ quan đang công tác trong Công an nhân dân; khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái được bổ nhiệm chức vụ tương đương chức vụ biệt phái; được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái.
Cũng theo luật, Chủ tịch Nước phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan Công an Nhân dân. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an; quyết định nâng lương cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định nâng lương cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng; quy định việc phong, thăng, nâng lương các cấp bậc hàm, bổ nhiệm các chức vụ, chức danh còn lại trong Công an Nhân dân.
Giang Trần (tổng hợp)