Tin mới

Khảo sát văng tục, chửi bậy nơi công cộng: Không phải để lấy cơ sở xử phạt

Chủ nhật, 21/06/2015, 09:10 (GMT+7)

Đó là khẳng định của TS. Mai Đức Anh - chủ trì đề án của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội về xây dựng quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng, trong đó có khảo sát nội dung về nói tục nơi công cộng.

Đó là khẳng định của TS. Mai Đức Anh - chủ trì đề án của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội về xây dựng quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng, trong đó có khảo sát nội dung về nói tục nơi công cộng.

Liên quan tới đề án xây dựng quy tắc ứng xử về nói tục nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi, TS. Mai Đức Anh (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học xã hội nhân văn và Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) - chủ trì đề án đã có những phản hồi về vấn đề này.

PV:  Thưa TS., vừa qua, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đang chủ trì xây dựng quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng, trong đó có khảo sát nội dung về nói tục nơi công cộng. Với tư cách là người chủ trì, xin ông cho biết một số thông tin về đề án này?

TS. Mai Đức Anh: Trước thực trạng một bộ phận người dân thủ đô hiện nay thường xuyên có những lời lẽ văng tục và ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng thì theo tôi, việc thành phố quyết định xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng là rất cần thiết.

Đề án đã được thông qua, tuy nhiên, đến nay, các nội dung cụ thể, chi tiết vẫn đang tiếp tục được thảo luận. Theo dự kiến, việc nghiên cứu, khảo sát nội dung đề án sẽ được tiến hành và hoàn thiện trong khoảng 2 đến 3 tháng.

Theo nội dung dự thảo, bộ khung quy tắc ứng xử đưa ra được áp dụng với 6 nhóm, bao gồm: cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng. Theo đó, với mỗi nhóm sẽ có "chuẩn mực ứng xử tối thiếu" và "quy tắc ứng xử cụ thể” tương ứng. Trong đó, các chuẩn mực ứng xử tối thiểu được đưa ra là: chấp hành nội quy, thân thiện, văn minh, lịch sự, tôn trọng, bình đẳng...

Theo TS. Mai Đức Anh, kết quả khảo sát của Đề án chỉ nhằm giúp người dân thủ đô tham khảo đối chiếu hành vi phát ngôn của mình (Ảnh minh họa)

PV:  Theo đánh giá của ông, có phải tới thời điểm này, khi tiếp nhận một bộ phận không nhở người dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các bạn trẻ có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng thì thành phố mới tiến hành "khởi động" đề án này?

TS. Mai Đức Anh: Không phải đến bây giờ, thành phố Hà Nội mới chú trọng tới việc hạn chế hành vi văng tục chửi bậy, cư xử thiếu văn hóa tại nơi công cộng.

Trước đó, giai đoạn giữa năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy chế thực hiện Kỷ cương hành chính và Văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố. Mục đích của việc ban hành quy chế trên nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nội dung quy chế yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong giao tiếp, ứng xử phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực, thân thiện...

Đến cuối năm 2014, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến xây dựng “Hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội”. Theo dự kiến, hệ quy tắc này sẽ được ban hành vào năm 2015.

Việc "khởi động" đề án này là kế hoạch bổ trợ những chủ trương trên của thành phố. Với các tiêu chí được xây dựng từ kết quả nghiên cứu của đề án sẽ giúp người dân có thể soi chiếu hành vi hành vi phát ngôn của mình nơi đám đông. Từ đó, giúp xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh trên địa bàn thủ đô.

PV: Thưa TS., hiện một số tờ báo đưa tin, cho rằng kết quả nghiên cứu của Đề án sẽ là căn cứ để UBND thành phố ra các quyết định xử phạt đối với người văng tục, chửi bậy nơi công cộng. TS. nhận định như thế nào về ý kiến này?

TS. Mai Đức Anh: Có thể khẳng định ngay đây là thông tin không chính xác. Vì mục tiêu của đề án chỉ là xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với người dân thủ đô tại nơi công cộng. Điều này đồng nghĩa với việc, kết quả nghiên cứu của đề án chỉ nhằm bổ trợ cho việc định hướng thay đổi hành vi, giúp người dân có những ứng xử văn minh hơn, lịch sự hơn, lành mạnh hơn nơi trong các môi trường công sở, trường học, bệnh viện, khu dân cư...

Kết quả này sẽ không liên quan tới việc áp dụng các chế tài xử phạt của thành phố đối với các hành vi thiếu văn hóa.

PV: Theo đánh giá của ông, kết quả của đề án này nếu áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì có khả thi?

TS. Mai Đức Anh: Tôi nhấn mạnh một lần nữa là đề án chỉ nhằm mục tiêu xây dựng một bộ quy tắc, từ đó giúp người dân có định hướng điều chỉnh hành vi nơi công cộng của mình sao cho phù hợp.

Bất kỳ một đề tài nghiên cứu nào để áp dụng vào đời sống thì vẫn còn những khoảng trống nhất định. Chính vì vậy, chúng tôi chỉ kỳ vọng đóng góp thêm vào việc xây dựng nếp sống lành mạnh, lịch sự của người dân thủ đô. Đề án vẫn còn chưa khởi động nên hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể nói gì nhiều về kết quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news