Mới đây, trong lúc dạo chơi cùng bạn gần bờ sông, một bé trai 8 tuổi ở Bến Tre bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào bàn tay. Trước đó ở Tiền Giang cũng có 2 trường hợp bị loài rắn này cắn.
Vết thương do rắn lục đuôi đỏ cắn trên tay em Lâm. Ảnh: Zing.vn |
Ngày 10/8, trên Zing News dẫn lời bác sĩ chuyên khoa II Võ Hữu Đức - Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, cho biết sau khi truyền huyết thanh chống nọc rắn lục đuôi đỏ, bệnh nhi Lâm Chí Kiệt (8 tuổi, ngụ tại ấp 3 xã Long Hòa, Bình Đại, Bến Tre) đã qua cơn nguy hiểm và đang hồi phục tốt.
Trước đó, sáng 8/8, người nhà đưa em Kiệt nhập viện trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, lo lắng với vết thương sưng to, chảy máu ở mu bàn tay phải. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện thấy 2 dấu răng nanh rắn cách nhau 1 cm, xung quanh có các vết răng nhỏ gây trầy xước.
Theo chị Nguyễn Ngọc Trang (36 tuổi, mẹ Kiệt), chiều 7/8, Kiệt ra bờ sông chơi cùng bạn. Khi đi ngang vườn rau ven đường, bất ngờ em bị rắn cắn ở mu bàn tay phải. Các thanh niên trong ấp phát hiện vụ việc chạy ra đánh chết con rắn.
Chị Ngọc sau đó đã đưa Kiệt sang ấp Long Định kế bên nhờ thầy thuốc đông y lấy nọc rắn. Nhưng hôm sau vết thương vẫn sưng to nên gia đình chuyển em đến bệnh viện cấp cứu.
“Bệnh viện đã truyền huyết thanh chống nọc rắn lục đuôi đỏ để cấp cứu cho bệnh nhi. Trước đó, tại đây cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn”, bác sĩ Đức cho biết.
Rắn lục đuôi đỏ là loài cực độc trong số các loại rắn lục , mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Chúng có nhiều nọc độc hơn rắn lục thường. Ảnh: Internet |
Vài năm trở lại đây, hiện tượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện liên tục tại các tỉnh miền Tây, nhiều người dân miền Trung liên tục bị loài vật này tấn công, khiến người dân vô cùng hoang mang. Theo thống kê năm 2013, bệnh viện Quân y 121 đã tiếp nhận 135 ca rắn cắn, trong đó có 95 ca bị rắn lục cắn, thì 9 tháng đầu năm 2014 có đến 354 ca, trong đó 345 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Cách sơ cứu khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân không nên hoảng loạn. Trên thế giới có rất ít ca tử vong trong trường hợp này. Khâu xử lý ban đầu quan trọng nhất với người bị rắn cắn. Trước tiên cần giải quyết vấn đề đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử. Đối với nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không cần garô, rạch rộng, hút nọc độc. Đó là bởi vì garô sẽ làm bệnh nhân dễ hoại tử hơn, rạch rộng sẽ làm chảy máu không cầm được. Chỉ cần băng ép, tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, nên đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. |
Đức Hòa (tổng hợp)