Tài xế bỏ chạy có thể vì hy vọng tránh được "mưa đòn" từ đám đông hung hãn, hoặc thoát được tội; còn đám đông "truy cùng sát tận" tài xế vì muốn được "chấp pháp" thay cán cân công lý.
Tối 10/12, tài xế Đinh Mạnh Hùng (công tác tại Ban Kinh tế Trung ương) lái xe biển xanh gây tai nạn rồi bỏ chạy theo hướng đường Nguyễn Trãi - Tôn Đức Thắng (Hà Nội). Phát hiện sự việc, một nhóm người đã chạy xe máy đuổi theo, yêu cầu tài xế dừng xe. Tuy nhiên, chỉ khi tới ngã năm Ô Chợ Dừa, do gặp đèn đỏ và vướng nhiều ô tô đang dừng phía trước nên người tài xế buộc phải dừng xe. Lúc này, đám đông tiến đến kéo tài xế ra ngoài và đánh tới mức phải nhập viện.[mecloud]PA7Bi3o1K9[/mecloud]
Ngày 11/12, Công an Quận Thanh Xuân cho biết vẫn đang điều tra và đưa ra mức xử phạt theo đúng quy định. Cùng ngày, Văn phòng Ban Kinh tế trung ương cho biết đang tiếp tục phối hợp với cơ quan công an làm rõ sự việc, xử lý nghiêm đối với tài xế Đinh Mạnh Hùng.
Tuy nhiên, ngoài các biện pháp xử lý sẽ được áp dụng với ông Hùng, một số ý kiến cho rằng, trong vụ việc này, những người tham gia đuổi đánh tài xế Hùng cũng cần phải bị trừng phạt theo quy định của pháp luật. Nếu không, sẽ khó tránh khỏi tạo ra thói quen rằng, đám đông có quyền đuổi đánh người gây tai nạn rồi bỏ chạy.
Tài xế xe biển xanh gây tai nạn rồi phóng xe bỏ chạy, bị dân vây đánh phải nhập viện. Ảnh cắt từ clip |
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra một số vụ tài xế gây tai tạn rồ ga phóng xe bỏ chạy, bỏ mặc các nạn nhân khiến dư luận bức xúc. Ở Mỹ, nếu tài xế gây ra Tai nạn giao thông thì mặc nhiên chấp nhận đối mặt với mức án nhẹ nhất là "treo bằng vĩnh viễn", còn thông thường là sẽ bị xử lý hình sự tùy vào tính chất nghiêm trọng của từng vụ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, không ít người lại lựa chọn phương án "cao bay xa chạy". Theo nhiều ý kiến đánh giá, thì thời gian qua, việc này có vẻ như một sự lựa chọn ưu tiên với các tài xế "lạc tay lái".
Thứ nhất, nếu chạy thoát được, họ nghiễm nhiên thành người vô tội, không phải chịu trách nhiệm với hậu quả hành vi mà mình gây ra. Và lúc đó, nạn nhân bị bỏ lại giữa đường có xây xước, trọng thương hay nguy kịch ra sao thì đối với họ cũng không có bất cứ sự can hệ nào. Và họ "thoát" được tất thảy những phiền hà, rắc rối liên quan tới pháp lý.
Thứ hai, họ hình thành thói quen "bỏ chạy" vì áp lực phải đối mặt với sự trừng phạt của đám đông. Trên thực tế, cũng có không ít những vụ việc "tiền lệ" mà người gây tại nạn trở thành "nạn nhân" của những người đi đường không can hệ. Trong thời điểm bức xúc, cả đám đông chung quanh vây đánh tài xế một cách thương tiếc. Lúc này, họ tự cho mình đặc quyền là trừng phạt "kẻ có tội" thay cho cán cân công lý, luật pháp, công quyền. Vô hình trung, điều này đã tạo nên một hệ quả "tệ hại" là người gây tai nạn thường có phản xạ đầu tiên là "chạy trốn đám đông" bằng mọi giá, bất biết hệ quả mình gây ra nặng - nhẹ như thế nào.
Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy, bị dân vây đánh, có người phải nhập viện cấp cứu. |
Bên cạnh một số quan điểm lên án đám đông đánh người gây tai nạn, khẳng định phân xử đúng - sai hay trừng phạt tài xế là nhiệm vụ của cơ quan chức năng; còn hành vi đánh người gây thương tích, có tính chất côn đồ, hung hãn của đám đông cũng cần bị pháp luật nghiêm trị; thì cũng có ý kiến cho rằng, việc làm của đám đông trong trường hợp này là cần thiết. Cụ thể, nếu đám đông không đuổi theo, "truy cùng sát tận" thì cơ hồ là tài xế có thể thoát tội (nếu việc bỏ chạy thành công). Do đó, đây được coi là hành động hợp lý, vừa giúp pháp luật trừng trị được kẻ gây ra tội, vừa giúp đảm bảo quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn trong trường hợp cần thỏa thuận, bồi thường thiệt hại.
Trước một số ý kiến cho rằng, việc ghi lại được dữ liệu thông tin của bên gây tai nạn như biển số xe, hình ảnh của tài xế... cũng được coi là minh chứng và căn cứ cơ sở để cơ quan chức năng xác minh và xử lý vụ việc. Do vậy, việc cả đám đông xông vào vây bắt rồi đánh người là không nên. Tuy nhiên, các độc giả lại "phản bác" rằng: Nếu không vây bắt được tài xế thì sao biết tài xế say xỉn hay tỉnh táo khi lái xe, hoặc có bị tình tiết tăng nặng nào không? Nếu để hôm sau họ mới tới cơ quan trình báo vụ việc thì có còn dấu vết của "nồng độ cồn" hay không?...
Tựu lại, cả hành vi bỏ chạy sau khi gây tai nạn và hành vi đánh người của đám đông đều không đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ thực tế, tài xế vi phạm hay đám đông quá khích đều có thể đưa ra quan điểm, lập luận bảo vệ cho cái sai của mình. Do vậy, muốn hạn chế được tình trạng này, thì cần thiết phải tiến hành đồng thời, song song các biện pháp trừng phạt. Cụ thể, đối với tài xế, cứ bỏ chạy sau khi gây tai nạn thì cần coi là là tình tiết tăng nặng, chưa cần xét đến hệ quả tai nạn nặng - nhẹ như thế nào. Còn đám đông xông vào đánh người cũng phải bị xử lý tùy theo mức độ trọng thương cho nạn nhân mà họ gây ra.
Nếu không thực hiện được đồng thời hai giải pháp trên, thì trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp diễn chuyện "tài xế bỏ chạy", và đám đông vẫn sẽ tiếp tục vây bắt tài xế, hung hãn "truy cùng sát tận" vì bản thân họ tự cho mình đặc quyền hành xử thay "cán cân công lý".
Những tiền lệ xấu Cách đây khoảng hơn 3 tháng, tại địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng xảy ra vụ việc tương tự. Cụ thể, vào khoảng 23h10 ngày 29/8, khi lưu thông đến đường Vũ Tông Phan, xe ô tô Camry mang biển kiểm soát 30A-097XX bất ngờ đâm vào xe máy Honda Lead đi cùng chiều. Cú va chạm khiến người phụ nữ trên xe máy ngã ra đường, chiếc xe Honda Lead bị mắc vào đầu xe Camry. Nhiều người dân ở gần khu vực đã yêu cầu dừng lại, tuy nhiên, lái xe ô tô bất chấp, tăng ga bỏ chạy, kéo theo cả chiếc xe tay ga ở đầu. Thấy vậy, một số người dân đuổi theo. Khi ô tô phải dừng lại vì bị nổ lốp, tài xế này mới bỏ chạy về phía công trường đang xây dựng gần đó. Một số người dân bức xúc đã lao vào đánh người tài xế này. Trước đó, hồi tháng 3, tại ngã ba Bia TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa), sau khi va quệt với một số phương tiện trên đường nhưng chiếc xe ô tô biển xanh 4 chỗ vẫn rồ ga lao đi. Một số người dân bức xúc đã lấy xe đuổi theo. Trong quá trình bỏ chạy, chiếc xe biển xanh này đâm mạnh vào xe ô tô 7 chỗ đang từ lề đường đi ra, sau đó mất lái đâm vào 1 xe máy đang lưu thông và chỉ chịu dừng lại khi tông thẳng vào cột điện bên đường. Lúc này, nhiều người dân chạy theo phía sau ùa đến đập phá cửa, kéo tài xế gây tai nạn ra ngoài đánh đập khiến người này bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. |
Vũ Đậu