Sinh ra 4 người con thì cả 4 đều mắc bệnh tâm thần, dù đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn ngây dại như đứa trẻ khiến cuộc sống của bà Thạch Thị Sương (85 tuổi, ngụ xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) chưa lúc nào bớt khổ. Để các con có được cái ăn, người mẹ già phải đi xin từng bữa cơm để sống qua ngày.
Mẹ già và 4 người con dại
Nhiều năm nay, người dân ở ấp Sóc Mới, xã Long Sơn không còn xa lạ với hình ảnh một người mẹ già bị mù một bên mắt đi lang thang khắp xóm xin từng chút thức ăn thừa để về nuôi 4 đứa con khờ khạo. Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng cuộc sống của bà Thạch Thị Sương (dân tộc Khơ-me) chưa một ngày nhàn hạ.
Căn nhà lá nhỏ dột nát là nơi sinh sống của người mẹ già và những đứa con khờ khạo.
Bà Thạch Thị Sương bên hai đứa con gái đầu của mình.
Căn nhà lá dột nát nằm sâu trong đường đất bùn lầy ở ấp Sóc Mới là nơi sinh sống của bà Sương và các con. Cảm thương có hoàn cảnh gia đình bà Sương, người dân địa phương góp tiền mua cây, lá để cất tạm căn nhà cho bà ở.
Ngồi co ro một góc tại chiếc giường tre ọp ẹp, cố nhíu con mắt lờ mờ còn lại, bà Sương cho biết, số bà khổ từ nhỏ, vì gia đình không có đất, có vườn nên bà phải đi làm thuê, cuốc mướn để sống qua ngày.
Cái chòi bếp mỗi lần mưa xuống là dột nát, nơi bà Sương hằng ngày nấu cơm cho các con.
Chăm đứa em gái khùng, người chị "không tỉnh táo" cũng xót xa.
Trong lúc mưu sinh vất vả, bà tình cờ quen được một người con trai trong vùng rồi nên duyên vợ chồng, có với nhau tận 4 người con. Hạnh phúc chưa được bao lâu, chồng bà đột nhiên mất để lại bà cùng 4 người con thơ dại. Tưởng đâu cuộc sống của bà sẽ được an nhàn khi những đứa con lớn lên, có công ăn việc làm ổn định. Trớ trêu thay, cả 4 người con của bà càng lớn lại không giống con người ta, đứa thì phát bệnh, bỏ nhà đi biệt tích mấy chục năm, đứa thì suốt ngày ú ớ la hét, đập phá đồ trong nhà.
Bà Sương cho biết: "Lúc sinh ra tụi nó đều bình thường cả, nhưng không hiểu sao càng lớn càng khùng, nó có biết tôi là mẹ của nó đâu. Con Rạ còn mấy lần đánh tôi, nó xé hết tận 3 căn nhà rồi đấy".
Người con gái út của bà Sương suốt ngày lầm lũi, cười nói một cách bất thường.
Anh Thạch Chông chỉ ngồi 1 chỗ trên tấm chiếc mục ẩm ướt.
Theo bà Sương, vì không có tiền chữa trị nên các con của bà bệnh tình mỗi ngày một nặng, người con gái lớn suốt ngày lang thang ngoài đường đi xin ăn rồi cũng bỏ đi biệt tích suốt hai mấy năm mới chịu quay về. Còn đứa thứ 2 và thứ 3 thì trở bệnh nặng, không nhận thức được mọi việc xung quanh nên bà phải lấy dây vải buộc chân lại cột ở góc nhà để khỏi đi lạc. Trong số 4 người con, chỉ có người con gái út Thạch Thị Tuyết (46 tuổi) có chồng nhưng cũng dở người, suốt ngày la hét, quậy phá lung tung.
Chị Thạch Thị Tuyết đi lang thang, khi nào đói mới quay về nhà mẹ xin cơm ăn.
Người mẹ già xót xa trước những đứa con bệnh tật.
"Nó lấy chồng rồi phát bệnh, giờ cứ đi lang thang ngoài đường suốt cả ngày, khi nào đói thì mới về đây ăn cơm. Nó tuy khùng nhưng biết hết, có hôm nó được người ta cho đồ ăn, nó đem về cứ múa tay múa chân đưa cho bà. Nhìn thấy tụi nó, bà như đứt từng khúc ruột, thương con mà không biết làm sao cả", bà Sương rơi nước mắt.
Lúc trước khi còn khỏe, bà Sương đi làm thuê để nuôi các con, ai kêu gì làm nấy, miễn sao có gạo, mắm muối về cho 4 đứa con khờ được một bữa no. Mấy năm trở lại đây, một con mắt bà bị mù vĩnh viễn, chân tay lại teo tóp, đi lại cũng khó khăn nên bà sống nương nhờ tình thương nơi bà con hàng xóm, ai cho gì ăn nấy, có bữa đói bụng, nhà lại hết gạo nên cả 5 mẹ con gom ba bữa làm một, cắn răng chịu đói cho qua ngày.
Nồi cơm trắng chấm xì dầu đã là một bữa ăn xa xỉ với gia đình bà Sương.
Người con gái đầu lúc tỉnh táo, lúc lại phát bệnh.
Bà chết sẽ đưa các con đi cùng, chứ để lại nó sống với ai
Kể từ ngày các con đổ bệnh, một mình bà Sương vừa làm mẹ, làm cha, bà còn kiêm luôn chức "bảo mẫu" để lo lắng cho 4 đứa con "có lớn mà không có khôn" của mình.
Mỗi ngày, sau khi xin được gạo, thức ăn, người mẹ già lại lầm lũi nấu cơm để săn sóc cho các con."Mấy năm trước bà còn tắm rửa được cho chúng, giờ không còn sức nữa, con Rạ lại hay la lối, có lần nó đánh bà đến nằm bệnh 2 tháng một chỗ. Cũng may bệnh tình của con Răng đã đỡ, nên nó phụ bà chăm các em, lâu lâu nó mới phát bệnh mà thôi", bà Sương nghẹn ngào nói.
Vẻ cúm rúm, yếu ớt của bà Sương khi đã đến tuổi gần đất xa trời.
Chị Thạch Thị Răng cười nói khi nhắc đến lần đi bắt em Rạ bị đánh cho bầm tím cả người.
Ngồi bên cạnh bà Sương, chị Thạch Thị Răng (58 tuổi, con gái lớn) cứ luôn miệng cười lớn rồi bẽn lẽn nói "Em thương mẹ lắm, thương đến chết mới thôi". Cũng theo chị Răng, không biết vì lý do gì, chị đi biền biệt mấy chục năm rồi mới trở về nhà, đến khi gặp lại mẹ thì nhà không có, gạo cũng hết, mấy đứa em thì la lối đòi ăn.
"Em ăn không có được no, khi nào mẹ có mới cho ăn. Con Rạ, thằng Chông nó hư lắm, nó đánh mẹ với em quá trời. Nó bỏ nhà đi, em với mẹ đi bắt nó nên bị đánh, giờ nó bị cột lại một chỗ rồi", chị Răng vừa nói vừa cười ngặt nghẽo như một đứa trẻ lên ba khi thấy các em mình chỉ được ngồi một chỗ.
Chị Rạ hay la hét, đập phá đồ đạc trong nhà.
Đầu tóc dài của anh Chông phải quấn lại vì không ai dám đến gần.
Trong số 4 người con, chị Thạch Thị Rạ (55 tuổi) và anh Thạch Chông (53 tuổi) là hai người mắc bệnh nặng nhất. "Con Rạ cứ thả ra là nó đi, mà đi đâu có biết đường để về. Có lần nó đi biệt mấy tháng, đến khi bị xe tông nhập viện, họ báo về bà mới đi vô viện để đón nó về. Nhiều lúc nó cáu, nó đánh luôn cả bà bầm tím hết mặt mày. Giờ thì bà phải cột nó như vậy, chứ không lại đi mất, nó xé 3 căn nhà lá để trốn đi rồi đó", vừa nói, bà Sương vừa nhìn chị Rạ đầy thương xót.
Riêng người con trai duy nhất của bà, anh Thạch Chông có tính khác người, chỉ thích ngồi lỳ một chỗ dưới nền nhà ẩm thấp. Mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh đều diễn ra ở chiếc chiếu nhỏ trải giữa nền."Có hôm trời mưa xuống, nước ngập lên đến nửa người nhưng nó vẫn ngồi im như vậy đến khi nước rút, tối thì ngủ ngồi, chẳng nói chuyện với ai câu nào. Nó bướng lắm, đụng vô người là nó đánh cho", bà Sương cho biết.
Nền nhà ẩm thấp là nơi anh Chông vẫn ngồi suốt mấy chục năm nay.
Sợ chị Rạ bỏ nhà đi, bà Sương phải cột tay lại trói ở một góc nhà, đây cũng là chỗ ăn, ngủ của chị Rạ.
Thấy bà khổ cực, người dân xung quanh cũng thường xuyên lui tới, giúp đỡ. Có người khuyên bà đứa 4 đứa con vào trại tâm thần để bà đỡ khổ, nhưng bà không chịu.
"Nó là con của bà, sao bà nỡ đưa nó vào trại cơ chứ. Bà còn sống ngày nào thì bà phải chăm sóc cho các con của bà, có khổ đến mấy bà cũng chịu", nói đoạn, bà Sương lủi thủi bước lại gần chị Rạ rồi bật khóc: "Lỡ mà bà chết đi, không biết tụi nó sẽ sống như thế nào. Bà buồn lắm, bà tính rồi, có chết bà sẽ đưa các con theo cùng, trước khi mất chỉ mong mấy mẹ con được ăn một bữa đàng hoàng, chứ là mất đi để tụi nó lại, ai mà lo cho", bà Sương đau xót nói.
Xót cảnh người mẹ già bên đứa con khờ.
Chị Tuyết thì cào cấu, không bình thường.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình bà Thạch Thị Sương, ông Thạch Hưng – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết dù đã 85 tuổi nhưng hoàn cảnh của bà Sương rất đáng thương khi phải chăm lo cho 4 đứa con tâm thần của mình.
"Phía chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ gia đình bà Sương, ngoài số tiền trợ cấp xã hội cho người già và người bệnh tật, xã cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi, hỗ trợ gạo, vận động bà con quyên góp cho bà Sương. Tuy nhiên, về phía xã cũng còn nhiều khó khăn, lại có nhiều hộ nghèo nên cũng mong nhận được giúp đỡ từ phía cộng đồng, chia sẻ bớt khó khăn để giúp 5 mẹ con bà Sương có được cơm ngày 3 bữa, không chịu cảnh bữa nói bữa no như bây giờ nữa", ông Thạch Hưng cho biết.
Ông Thạch Hưng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Long Sơn.
Nụ cười hiếm hoi của người mẹ già cuối đời phải chăm sóc cho 4 đứa con tâm thần.
Trước hoàn cảnh khó khăn của người mẹ già chăm 4 người con tâm thần, rất mong nhận được sự đóng góp, hỗ trợ từ phía cộng đồng. Mọi đóng góp xin liên hệ: UBND xã Long Sơn (địa chỉ ấp Sơn Long, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Số tài khoản ngân hàng Agribank: 37230100939700000 (tài khoản của xã Long Sơn). Để biết thêm hoàn cảnh của bà Thạch Thị Sương, liên hệ ông Thạch Hưng – Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn, điện thoại: 0943363460. Xin chân thành cảm ơn.
Nguồn: Afamily/Trí thức trẻ