Tin mới

Rối thông tin, hướng dẫn vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung

Thứ năm, 05/05/2016, 06:00 (GMT+7)

“Làm sao biết được con cá nào ở vùng cách bờ 20 hải lý”, “các chỉ số nước biển nằm trong ngưỡng "an toàn" thì tại sao phải cấm chế biến cá”, “biển tắm được nhưng lại cấm ăn cá” … là những thắc mắc của độc giả sau các công bố, hướng dẫn gần đây của cơ quan chức năng liên quan đến vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.

“Làm sao biết được con cá nào ở vùng cách bờ 20 hải lý?”, “các chỉ số nước biển nằm trong ngưỡng an toàn thì tại sao phải cấm chế biến cá?”, “biển tắm được nhưng lại cấm ăn cá?” … là những thắc mắc của độc giả sau các công bố, hướng dẫn gần đây của cơ quan chức năng liên quan đến vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung.

Sau đúng 1 tháng xảy ra hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân. Những ngày cuối tháng 4, để phục vụ nhu cầu tắm biển, sử dụng thực phẩm của du khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, cơ quan chức năng đã rốt ráo lấy mẫu nước biển quan trắc cùng việc đưa ra các khuyến cáo về sử dụng hải sản.

Cụ thể, ngày 1/5, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại các bãi tắm 4 tỉnh trên cho thấy đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước. Theo kết quả này thì người dân có thể tắm ở các bãi biển xảy ra hiện tượng hàng loạt.  

Rối thông tin, hướng dẫn liên quan vụ cá chết hàng loạt

Hình ảnh người dân thu gom cá nuôi bị chết tại thị trấn Thuận An (Thừa Thiên Huế) ngày 3/5. Ảnh: Người lao động

Tuy nhiên, ngày 3/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại phát đi công văn hướng dẫn các biện pháp ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong đó, yêu cầu các địa phương tuyệt đối không chế biến làm thực phẩm cho con người hoặc thức ăn chăn nuôi với hải sản chết dạt bờ, hải sản đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế mà có kết quả kiểm định không an toàn.

Cũng trong chiều 3/5, Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng chính quyền chức năng đã tiến hành thu gom được 1,1 tấn cá nuôi của 23 hộ dân thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang để đưa đi tiêu hủy sau khi bị chết. Trong khi đó, phía bờ Bắc cửa Thuận An thuộc thôn 2 xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) tình trạng nhiều loài cá biển trong trạng thái lờ đờ, ào ạt dạt vào bờ và phá Tam Giang cũng xuất hiện khá nhiều vào cùng thời điểm. Hiện tượng cá vẩu, cá chẽm nuôi cạnh cửa Thuận An của người dân Hải Dương cũng bắt đầu chết.

Theo nhiều độc giả, các thông tin và hướng dẫn trên có sự "khập khiễng", khiến người dân hoang mang. 

"Làm sao người dân biết được con cá nào ở vùng cách bờ 20 hải lý. Nhất là cá biển, hầu hết khi đến tay người dùng thì đều trong trạng thái đã chết", độc giả Nguyễn Kim viết. 

Các độc giả khác cũng bình luận về sự mâu thuẫn giữa các thông tin, hướng dẫn của các nhà chức trách: "Trong khi các chỉ số nước biển nằm trong ngưỡng an toàn thì tại sao phải cấm chế biến cá? mâu thuẫn quá!"; "Nước biển thì an toàn, người thì được xuống tắm nhưng cấm ăn cá là sao?", "Mấy hôm trước công bố nước an toàn vậy sao cá lờ đờ vẫn ào ạt dạt vào bờ?"

Trước những bất nhất trong các thông tin mà các cơ quan chức năng đưa ra, độc giả càng bày tỏ sự hoang mang và mong mỏi sớm có kết luận chính xác, khoa học từ các chuyên gia chuyên trách. 

Xem thêm video:[mecloud]zhp213fZDm[/mecloud]

H.Minh 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news