Hàng tấn chanh, quất được ủ trong những hố đất bên cạnh con sông Nhuệ đen kịt, ủ lên men khoảng chục ngày. Sau đó qua một số công đoạn số chanh, quất thối này sẽ trở thành món mứt cổ truyền trong dịp Tết.
Theo tin tức từ báo Lao động, một cơ sở chuyên sản xuất mứt, ô mai chanh quất phục vụ Tết đang gấp rút chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Bính thân 2016. Tuy nhiên, PV đã rất bất ngờ trước quy trình chế biến ra những mặt hàng này.
Cơ sở này nằm tại phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội. Họ công khai sản xuất ngay tại khu đất của nhà văn hóa tổ 7. Khu đất này khá bụi băm, đông đúc người và xe cộ đi qua, bên cạnh đó đây còn là bãi chăn thả gia súc, gia cầm.
Bãi đất trống chăn thả gia súc tại phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội là nơi chế biến chanh, quất. Ảnh: Lao động |
Tại đây, chủ cơ sở phơi hàng loạt chanh, quất lổn nhổn trên những tấm bạt nylon, không màng để tâm đến những đám phân bò bên cạnh, từng đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ và tất nhiên là ruồi nhặng bay vo ve. Chưa dừng lại tại đó, những hố đất được đào ra làm nhiệm vụ chôn, ủ chanh quất nằm gần con sông Nhuệ nước đục ngầu.
Quá trình ủ chanh quất được làm theo phương thức vô cùng đơn giản. Chanh, quất được đổ đống xuống hố sâu 3-5m, rộng 2-3m có trải bạt nylon, phía trên có căng tấm fibroximang để che nắng che mưa, tiếp theo họ rắc vào hố một lớp vôi bột. Cuối cùng rải một lớp muối lên mặt trên đống chanh quất và phủ kín miệng hố lại. Cứ vậy, chỉ khoảng 10 ngày sau khi số chanh quất chuyển màu thâm sì, chảy nước và bốc mùi chua thì được vớt lên phơi khô và thành sản phẩm.
Toàn bộ quá trình chế biến đều diễn ra thô sơ, mất vệ sinh. Ảnh: Công an nhân dân |
Tất cả mọi quá trình làm việc tại đây đều diễn ra hết sức mất vệ sinh, phản cảm tuy nhiên đối với nhóm người làm thì đây chỉ là việc bình thường. Những chiếc hố đục màu bốc mùi hôi thôi liên tục ủ từng đống chanh quất này qua đống khác mà không được qua tác động vệ sinh gì.
Khi được PV tờ Công an nhân dân hỏi, người làm cho biết, toàn bộ nguyên liệu chính là chanh, quất được cơ sở mua từ Hòa Bình, số hàng được đóng thành từng bao tải và vận chuyển về tận nơi. Mức giá thu mua khá rẻ, chỉ từ vài trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng/tấn nguyên liệu.
Hoạt động sản xuất này diễn ra đều đặn vào mỗi dịp cuối năm, tuy nhiên điều đáng nói ở đây là lực lượng chức năng địa phương dường như không quản lý chặt chẽ cơ sở này. Khi đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thoan – Chủ tịch UBND phường Đồng Mai chia sẻ trên Công an nhân dân, năm 2013, 2014 tại địa phương có một số hộ gia đình làm công việc này tuy nhiên đến nay chỉ còn duy nhất hộ ông N ở tổ 7 chế biến chanh, quất ngâm. Nhưng phường lại không nắm rõ được tình hình buôn bán của hộ ông N. Cũng theo ông Thoan thì việc ngâm ủ này không gây ảnh hưởng đáng kể đến môi trường xung quanh.
Ngoài ra, câu trả lời của ông Thoan về hai hố ủ chanh, quất đang hoạt động cũng trái ngược với sự thật mà PV đã ghi nhận được tại hiện trường. Theo lời ông Thoan thì phường đã nghiêm cấm và không cho hộ gia đình ủ trong hố nữa ?
Trước đó, VTC News cũng đã đưa tin về quy trình chế biến mứt Tết mất vệ sinh và sử dụng hóa chất. Cơ sở sản xuất mứt dừa có tiếng tại TP.HCM là đường Xóm Đất, Thái Phiên, quận 11, hay khu cư xá đường sắt, quận 3,… Tuy nhiên khi chứng kiến quá trình sản xuất sẽ khiến nhiều người rùng mình.
Một cơ sở chuyên chế biến mứt dừa bằng hóa chất, mất vệ sinh tại TP.HCM. Ảnh: VTC News |
Cơm dừa được ngâm cả ngày trời trong những thùng hóa chất để tẩy trắng, công nhân tại đây sử dụng thanh tre để đảo dừa, kèm mùi khó chịu gây cảm giác buồn nôn bốc lên.
Tất cả 7 lao động chính tại đây đều không đảm bảo vệ sinh, không găng tay hay bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất. Ngay cả máy móc cũng gỉ sét và rất thô sơ.
Tuy lực lượng chức năng đã vào cuộc nhưng những cơ sở tự phát vẫn mọc lên và lượng hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh vẫn thường xuyên tuồn vào thị trường qua hình thức bán online. Để không còn tồn tại tình trạng này, các cơ quan chức năng nên kiểm tra, xử lý triệt để, không để thực phẩm bẩn tràn lan thị trường, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Hoài An (tổng hợp)