Để hợp thức “tiền bẩn”, trong khi “ông trùm” Nguyễn Văn Dương chọn cách rửa tiền qua BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thì Phan Sào Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn vào các dự án, mua bất động sản… Để rửa hàng nghìn tỷ số tiền thu lời bất chính, Nam cũng không ngại ngần đưa cả dì ruột của mình vào vòng xoáy lao lý.
1001 cách rửa tiền của các “ông trùm”
Các tổ chức tội phạm và cá nhân tham nhũng luôn có nhu cầu che giấu nguồn gốc của khoản tiền thu được từ những hoạt động bất hợp pháp mà không gây nghi ngờ cho các cơ quan thực thi pháp luật. Do vậy cần có thời gian và nỗ lực đáng kể để tạo ra những chiến lược cho phép sử dụng an toàn những khoản tiền thu được mà không bị nghi ngờ. Thực hiện các chiến lược như vậy thường được gọi là rửa tiền.
Ông trùm cờ bạc Phan Sào Nam. |
Thủ đoạn của tội phạm rửa tiền luôn thay đổi và ngày càng tinh vi hơn nhằm đối phó, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xác định, truy tìm, phong tỏa, tịch thu “tiền bẩn". Những “chiêu trò” của tội phạm rửa tiền thường khá đa dạng, tinh vi và nằm tiềm ẩn trong nhiều hoạt động kinh tế. Trước tiên là trong cơ cấu các giao dịch. Bản chất của phương thức này là chia nhỏ số tiền mặt và gửi vào các định chế tài chính để tránh bị báo cáo, bị nghi ngờ và thường được sử dụng ở các quốc gia mà luật pháp yêu cầu phải báo cáo các giao dịch tiền mặt vượt một ngưỡng nào đó.
Một phương thức nữa đó là, vận chuyển tiền mặt qua biên giới thông qua các giao dịch thương mại; Thông qua các hoạt động casino hoặc vui chơi giải trí có thưởng; Sử dụng các công ty “bình phong” và công ty “vỏ bọc”; Mua tài sản có giá trị lớn bằng tiền mặt; Chuyển đổi sang các công cụ tiền tệ khác; Sử dụng hệ thống chuyển tiền thay thế (hệ thống ngân hàng “ngầm”); Rửa tiền thông qua hoạt động tín dụng…
Theo pháp luật Việt Nam, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tiền, tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; Thực hiện một trong các hành vi nêu trên đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có; Thực hiện trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản. Người phạm tội này có thể bị xử phạt mức phạt cao nhất lên tới 15 năm tù (Điều 251, BLHS năm 2015).
Điển hình nhất cho loại tội phạm này chính là vụ án Đánh bạc với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở Phú Thọ mới bị cơ quan chức năng triệt phá. Cầm đầu đường này là 2 “ông trùm” cờ bạc Nguyễn Văn Dương, nguyên Chủ tịch HĐTV công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) và Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC online).
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ ngày 31/8/2018, Nguyễn Văn Dương bắt tay với Phan Sào Nam để tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen. Trong đó, Nguyễn Văn Dương thu lời bất chính hơn 1.655 tỷ đồng. Còn Phan Sào Nam cũng thu lời bất chính số tiền hơn 1.475 tỷ đồng.
Để hợp thức hóa “tiền bẩn”, Nguyễn Văn Dương đã chọn cách rửa tiền qua BOT Bắc Giang - Lạng Sơn và qua nhiều “kênh” khác. Còn về phần Phan Sào Nam, sau khi thu lời bất chính, Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn vào các dự án, mua bất động sản để hợp thức số tiền do phạm tội Tổ chức đánh bạc mà có. Giúp mình hợp thức hóa “tiền bẩn”, Phan Sào Nam đã không ngại ngần đưa cả dì ruột của mình là Phan Thu Hương (SN 1961, chỗ ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) vào vòng xoáy lao lý.
Vì tình thân tiếp tay cho kẻ phạm tội
Việc khám phá, đấu tranh với loại tội phạm này không phải là vấn đề đơn giản. Ban đầu, Phan Thu Hương nhất quyết không thừa nhận số tiền hàng trăm tỷ đồng là của Phan Sào Nam gửi, nhờ Hương hợp thức hóa bằng hình thức gửi tiết kiệm, mua nhà. Lý do giữa Hương và Nam có sợi dây tình cảm máu mủ, ruột thịt. Hương khai đã nuôi Phan Sào Nam từ nhỏ nên không muốn Nam bị vào vòng lao lý. Nhưng thực tế, ngay từ thời điểm Nam chuyển những khoản tiền bất chính cho dì ruột của mình thì Nam cũng đã xác định kéo theo cả người thân vào con đường phạm tội của mình.
Giàu lên nhanh chóng bằng những đồng tiền bất chính do phạm tội Tổ chức đánh bạc mà có, Phan Sào Nam đã chỉ đạo nhân viên nhiều lần chuyển đến tài khoản của Phan Thu Hương, tổng cộng số tiền hơn 236 tỷ đồng và nhờ Hương kinh doanh sinh lời.
Sau khi nhận được số tiền trên, Hương đã gửi tiết kiệm ngắn hạn, sau đó rút ra mua vàng, đôla Mỹ rồi bán kiếm lời. Đến tháng 11/2016, Hương sử dụng một phần nguồn tiền này à tiền vốn tích cóp được mua 5 căn hộ tại thành phố Hồ Chí Minh với giá hơn 28 tỷ đồng và nhờ một người bạn của cháu mình đứng tên giấy tờ nhà. Đến năm 2017, Phan Thu Hương tiếp tục sử dụng số tiền Nam chuyển và tiền của bản thân để mua căn nhà số 45, Lê Quý Đôn, phương 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh với giá 270 tỷ đồng để đầu tư sinh lời.
Khi sự việc bị vỡ lở, Phan Thu Hương ngay lập tức bị triệu tập lên cơ quan điều tra hỏi về nội dung trên, song Hương không thừa nhận đang giữ số tiền mà Phan Sào Nam do phạm tội mà có. Hương nói tiền đó là Nam trả nợ cho Hương vì Nam vay trước đó nhưng không có căn cứ gì để chứng minh.
Bằng biện pháp nghiệp vụ và đưa ra những chứng cứ thuyết phục, cuối cùng Phan Thu Hương đã phải thừa nhận tội trạng của mình. Sau khi bị bắt và được giáo dục thuyết phục, bị can Hương đã nhận thức rõ được sai phạm của mình. Đến nay, Hương và gia đình đã nộp được 22 tỷ đồng và tự nguyện xin bán hà để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Hiện cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều văn bản, giấy tờ của Phan Thu Hương liên vụ án đề điều tra làm rõ, cùng số tiền 22 triệu đồng do Hương tự nguyện nộp khắc phục hậu quả. Phong tỏa 5 căn nhà Hương mua tại khu dân cư Villa park và căn nhà số 45, Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, trị giá tài sản mua bán theo hợp đồng là 270 tỷ đồng.
Với hành vi phạm tội như trên, VKSND tỉnh Phú Thọ xét thấy đủ căn cứ để truy tố Phan Thu Hương ra trước TAND tỉnh Phú Thọ về tội Rửa tiền, theo điểm a, khoản 3, Điều 251, BLHS năm 2015.
Tư Viễn