Tin mới

Rủi ro từ tín dụng ngoại tệ

Thứ bảy, 28/06/2014, 11:19 (GMT+7)

(TBKTSG) Sau quyết định điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), diễn biến tỷ giá đã nhanh chóng bình ổn trở lại.

 

 

 

 

 

 

 

Tuy vậy, xu hướng tín dụng ngoại tệ tăng cao đang tạo ra những áp lực nhất định đối với tỷ giá trong trung hạn.

 Rủi ro từ tín dụng ngoại tệ


Tâm lý đầu cơ nhanh chóng “xì hơi”

Cuối cùng, sau rất nhiều chờ đợi và đồn đoán, NHNN đã có quyết định chính thức tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% kể từ ngày 19-6-2014. Lần điều chỉnh này tương tự như động thái mà NHNN đã làm trong năm 2013 cả về mặt thời điểm (cùng trong tháng 6) lẫn phương thức điều chỉnh (chỉ tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong khi vẫn giữ biên độ dao động tối đa là ±1%). Như vậy, tỷ giá trần mới sẽ là 21.457 đồng/đô la Mỹ, tăng 421 đồng so với mức trần cũ (21.036 đồng).

Diễn biến thị trường ngoại hối sau quyết định của NHNN cho thấy rõ tính chất đầu cơ trước đó. Tăng tỷ giá thêm 1% đã giúp giải tỏa kỳ vọng cho thị trường, phá vỡ tâm lý ngột ngạt khi tỷ giá mua vào và bán ra của các ngân hàng thương mại (NHTM) trước đó liên tục được niêm yết gần sát hoặc bằng mức trần. Ghi nhận tại các NHTM cho thấy, tỷ giá chính thức sau điều chỉnh phổ biến ở mức 21.310- 21.315 đồng, cao hơn khoảng 60-70 đồng so với trước khi điều chỉnh nhưng vẫn cách khá xa mức trần mới là 21.458 đồng/đô la. Tâm lý đầu cơ đã nhanh chóng “xì hơi” khi NHNN đáp ứng gần như trọn vẹn kỳ vọng của thị trường.

Rủi ro từ tín dụng ngoại tệ

Sau khi kỳ vọng tăng tỷ giá đã được đáp ứng, cung-cầu thị trường ngoại hối trong ngắn hạn nhiều khả năng sẽ có diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho nguồn cung. Cụ thể, cung ngoại tệ sẽ dồi dào hơn khi người dân và các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng đô la Mỹ sẽ đẩy mạnh bán ra sau một thời gian găm giữ chờ tỷ giá tăng. Về phía các NHTM, họ cũng có thể đẩy mạnh bán đô la, gia tăng trạng thái “âm” ngoại tệ mà chưa phải chịu áp lực mua lại ngoại tệ ngay như những ngày trước khi NHNN ra quyết định chính thức.

diễn biến tỷ giá sau diều chỉnh

Tuy vậy, ở một góc độ khác, hệ quả của quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa qua có thể sẽ gây ra áp lực cho thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng các tháng sắp tới. Các số liệu mới nhất cho thấy tính đến ngày 12-6-2014, tín dụng ngoại tệ đã tăng gần 10% so với cuối năm 2013, tăng gần 3 điểm phần trăm so với mức tăng 7,2% vào thời điểm cuối tháng 4. Trong khi đó, huy động tiền gửi ngoại tệ tính đến giữa tháng 6 lại giảm hơn 4% so với cuối năm ngoái.

Do khả năng NHNN giảm giá tiếp tiền đồng trong ngắn hạn không còn nhiều nên các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động vay ngoại tệ trong thời gian tới nhằm hưởng mức lãi suất cho vay thấp (khoảng 4-7%) trong khi không phải lo ngại về rủi ro tỷ giá.

Ở chiều ngược lại, huy động tiền gửi ngoại tệ có thể sẽ có sự sụt giảm do người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh bán đô la đổi lấy tiền đồng nhằm hưởng lãi suất tiết kiệm cao hơn khi không còn tâm lý đầu cơ găm giữ. Như vậy, xu hướng ngược chiều giữa huy động và cho vay bằng đô la Mỹ nhiều khả năng sẽ ngày càng mở rộng, tạo áp lực lên thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống.

Hiện nay, xu hướng tín dụng ngoại tệ tăng đang dần quay trở lại. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do lãi suất cho vay bằng tiền đồng đang cao hơn lãi suất cho vay bằng đô la Mỹ trong khi rủi ro tỷ giá ở mức khá thấp, dễ dự đoán nên có thể lập kế hoạch phòng ngừa trước. Đến đây lại quay trở về định hướng phải tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng, không những để kích thích tăng trưởng tín dụng mà còn để phòng ngừa tình trạng đô la hóa nền kinh tế.

Cũng có ý kiến cho rằng mức tăng 10% của tín dụng ngoại tệ hiện chưa đáng ngại do dư nợ ngoại tệ mới chỉ chiếm khoảng 12-13% tổng dư nợ. Nhưng nếu quy mô các khoản vay bằng ngoại tệ tiếp tục tăng trong khi huy động đầu vào sụt giảm thì sẽ đến một thời điểm nào đó khi kỳ vọng về việc điều chỉnh tỷ giá quay trở lại, áp lực “cover” (bù đắp trạng thái) có thể sẽ lớn hơn nhiều so với lần điều chỉnh vừa qua khi cộng hưởng từ lực mua của cả doanh nghiệp lẫn các ngân hàng thương mại. Liệu đến khi đó, biên độ điều chỉnh 1% có còn đáp ứng đủ kỳ vọng của thị trường?

Xem thêm :Giả vờ là "Tây" để được chiều như khách VIP

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: tín dụng rủi ro